Theo dõi chặt chẽ giá cả, nhất là sau khi tăng lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng cục Thống kê nhận định, việc điều chỉnh lương cơ bản từ ngày 1-7 tới có thể tác động lên giá cả, khiến giá cả tăng. Do đó, cơ quan này khuyến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần kiểm soát chặt chẽ thị trường giá cả.
Theo dõi sát giá cả hàng hóa để kiểm soát lạm phát

Theo dõi sát giá cả hàng hóa để kiểm soát lạm phát

Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12-2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.

Trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 6-2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,23% do giá điện thoại cố định và di động giảm).

Theo lãnh đạo Tổng Cục Thống kê, so với các quốc gia khác, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6-2023 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nguyên nhân khiến Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 là vì giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu giảm 18,27%, giá gas trong nước giảm 9,99%.

Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt (chiếm tỷ trọng 12,87%) trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá VND ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tổng cục Thống kê dự báo, trong nửa cuối năm, một số yếu tố sẽ tác động mạnh đến CPI là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI.

Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI; Việc tăng lương kể từ ngày 1-72023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo…

Cơ quan thống kê khuyến nghị, để kiểm soát lạm phát trong cả năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước;

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Với giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý, cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.