Thêm nhiều mặt hàng ách tắc ở khu vực cửa khẩu, doanh nghiệp khẩn thiết “kêu cứu”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngoài các mặt hàng nông sản, các mặt hàng khác như: thủy sản, linh kiện điện tử, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước… cũng bị ùn ứ, khó có thông quan xuất - nhập khẩu.
Hơn 6.300 xe hàng chờ thông quan xuất khẩu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn

Hơn 6.300 xe hàng chờ thông quan xuất khẩu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn

Tiếp tục ùn tắc nghiêm trọng hàng xuất khẩu

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) ngày 23-12 đã có công văn khẩn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một số giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt-Trung.

Tại công văn này, Ban IV cho biết, tính đến sáng ngày 21-12, tổng lượng xe hàng hóa tồn tại các cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 6.300 xe; trong khi tại phía bên kia Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn là khoảng hơn 3.000 xe.

Tính trên toàn tuyến biên giới phía Bắc tại 6 tỉnh, số cửa khẩu mở cho hàng hóa thông quan hiện chỉ còn là 6/71 cửa khẩu, lối mở. Năng lực thông quan của các cửa khẩu cũng giảm đáng kể, điển hình như tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã giảm 4,5 lần so với bình thường, chỉ còn khoảng 100 xe/ngày (bình thường là khoảng 450 xe/ngày); Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ thời điểm ngày 21-12, do thành phố Đông Hưng của Trung Quốc tạm thời đóng cửa, xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố để truy vết F0 nên năng lực thông quan cũng gần như bằng không.

Theo tin báo khẩn từ doanh nghiệp sáng ngày 23-12, tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, phía Trung Quốc tiếp tục gia tăng các biện pháp thắt chặt phòng ngừa dịch bệnh.

Cụ thể: Theo yêu cầu của Ban Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Quốc vụ viện Trung Quốc, từ ngày 24-12, lái xe Việt Nam (và các lái xe nước ngoài nói chung) đều không được phép vào biên giới Trung Quốc.

Quyết định này dẫn tới số lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị có khả năng tiếp tục sụt giảm hơn nữa.

Hiện nay, mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là hàng nông sản và thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 34% trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sang Trung Quốc (4,9 tỷ USD). Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ.

Ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thiệt hại về tiền hàng của doanh nghiệp lên đến 2 nghìn tỷ đồng (trung bình 500 triệu đồng/1 xe x khoảng 4.000 xe hàng) mỗi ngày, chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu/1 xe với tình hình ách tắc hiện tại).

“Với bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần”- Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.

Chiều nhập khẩu cũng không thông

Tình trạng quá tải ở mọi bến bãi, cửa khẩu cộng với tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng nhập khẩu khác, đặc biệt là hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (như lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với ván bóc, gỗ bóc…), mà hiện các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.

Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn tại Việt Nam cho hay, do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch mà lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%).

Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp này thì mức độ rủi ro bị chậm hàng, dừng hàng vẫn là rất cao, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu phải dừng dây truyền sản xuất.

Theo các doanh nghiệp, tình trạng ùn tắc dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới do khả năng thông quan đã giảm tới mức tối thiểu và phía Trung Quốc không có kế hoạch mở lại các cửa khẩu trong thời gian ngắn tới đây, trong khi số xe hàng hóa dồn về các cửa khẩu tiếp tục tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán.

Trước tình trên, Ban IV kiến nghị Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Cụ thể, đề xuất lãnh đạo Chính phủ xem xét, trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để bố trí cửa khẩu thông quan riêng cho hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước so với hàng nông, thủy sản;

Phối hợp lực lượng chuyên môn hai nước để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, container, tài xế đang “kẹt” tại cửa khẩu hai bên.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực đệm này nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc covid ngay tại đầu vùng đệm, không để xảy ra tình huống phát hiện người/ vật mắc covid ở điểm giáp biên dẫn tới hành động “đóng biên tức thời” của phía Trung Quốc, thí điểm lập vùng đệm tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ban IV cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại thì mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu;

Cùng các Bộ, ngành tổ chức chiến dịch “Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt” dịp cận Tết. Về lâu dài, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường chế biến nông sản, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.