Thêm “chiêu thức” lách trần lãi suất

Thời gian gần đây, một vài ngân hàng đã triển khai sản phẩm huy động tiết kiệm VND đảm bảo bằng USD. Các chuyên gia nhận định, đây là một chiêu lách rất tinh vi quy định trần lãi suất huy động 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và dự báo thời gian tới, sản phẩm này sẽ nở rộ giống như sản phẩm tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt trước đây.

Thêm “chiêu thức” lách trần lãi suất

Thời gian gần đây, một vài ngân hàng đã triển khai sản phẩm huy động tiết kiệm VND đảm bảo bằng USD. Các chuyên gia nhận định, đây là một chiêu lách rất tinh vi quy định trần lãi suất huy động 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và dự báo thời gian tới, sản phẩm này sẽ nở rộ giống như sản phẩm tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt trước đây.

Ngân hàng TMCP Kiên Long vừa triển khai sản phẩm Tiết kiệm VND đảm bảo bằng USD dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khi khách hàng tham gia gửi tiết kiệm VND, ngoài việc được hưởng mức lãi suất như quy định, trong thời gian gửi tiền, toàn bộ số tiền gốc VND của khách hàng được đảm bảo giá trị theo USD và có thể được lợi nếu tỷ giá tăng.

Trước đó, Sở giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam  (Agribank) cũng đã triển khai sản phẩm Huy động tiết kiệm VND được đảm bảo bằng USD. Theo đó, toàn bộ số tiền tiết kiệm bằng VND của khách hàng sẽ được quy đổi tương đương với số tiền USD theo tỷ giá mua USD chuyển khoản do Sở Giao dịch Agribank công bố vào 8h30 ngày thực hiện gửi tiền. Vào ngày đáo hạn, khách hàng được nhận lại bằng tiền VND từ số tiền gốc tương đương USD theo tỷ giá mua vào bằng chuyển khoản USD/VND do Sở giao dịch Agribank công bố.

Nếu tỷ giá mua vào của ngày đến hạn cao hơn tỷ giá mua vào ngày gửi tiền thì khách hàng được hưởng phần chênh lệch tăng thêm. Trường hợp tỷ giá mua vào ngày đến hạn bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào ngày gửi, khách hàng được hưởng nguyên số tiền gốc VND ban đầu. Mức lãi suất của chương trình này cũng rất hấp dẫn, khách hàng gửi tiền từ 1 đến 6 tháng đều được hưởng 14%/năm.

Theo các chuyên gia ngân hàng, đây là những chiêu lách khá tinh vi quy định trần lãi suất huy động 14%/năm. Bởi theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN, tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng VND (lãi suất tiền gửi; lãi suất chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm.

Thế nhưng, khó có thể xem các sản phẩm này như các chương trình huy động có khuyến mại. Và ngay cả có xếp vào các sản phẩm khuyến mại đi nữa, cũng khó có thể lượng hóa được giá trị khuyến mại là bao nhiêu. Bởi ngay cả cơ quan quản lý là NHNN Việt Nam cũng không thể khẳng định thời gian tới tỷ giá sẽ tăng hay giảm và tăng – giảm cụ thể là bao nhiêu.

Trên thực tế, mấy năm gần đây, tỷ giá luôn biến động khá mạnh theo chiều hướng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2010, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá với mức tăng 5,5% (ngày 11/2/2010, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 17.941 đồng/USD lên 18.544 đồng/USD; tiếp đó ngày 17/8/2010, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá từ 18.544 đồng/USD lên 18.932 đồng/USD). Và đầu năm 2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được NHNN điều chỉnh tăng tới 9,3%.

Thời gian tới, dự báo tỷ giá tiếp tục chịu sức ép do lạm phát cao và thâm hụt thương mại vẫn lớn. Dự báo CPI 3 tháng đầu năm tăng tới hơn 6%. Điều đó cho thấy, rủi ro khi triển khai sản phẩm này là rất lớn và lãi suất huy động vốn thực sự có thể lên tới 18 – 19%/năm. Thế nhưng, trong bối cảnh việc huy động vốn khó khăn như hiện nay, sản phẩm này được dự báo là sẽ nở rộ trong thời gian tới. Bởi nếu ngân hàng nào không triển khai, cũng đồng nghĩa với khả năng phải “chia tay” không ít khách hàng.

Đó là chưa kể, về thực chất, sản phẩm này là không khác gì hình thức huy động USD với lãi suất cao ngất ngưởng. Bởi vậy, nhiều ý kiến băn khoăn, việc triển khai sản phẩm này trong thời điểm hiện nay có vẻ như đang đi được lại chủ trương của Chính phủ, NHNN về chống đô la hóa cũng như chuyển dần các quan hệ huy động – cho vay USD sang quan hệ mua bán.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng, vấn đề đô la hoá không thể giải quyết một sớm một chiều, nên chương trình tiết kiệm VND được bảo toàn giá trị dựa trên USD là thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng theo khuôn khổ pháp lý hiện hành. Đây là quyền chủ động của các tổ chức tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn cũng như phải đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước. “NHNN có hệ thống thanh tra, giám sát nên nếu thực sự có vấn đề tiêu cực trong động thái này, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ có hành động”, vị lãnh đạo trên khẳng định.

theo đtck