Thế kẹt khó tháo gỡ

(ANTĐ) - Dưới sự yểm trợ của máy bay trực thăng, lính đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới dọc biên giới với Iraq. Tất cả chỉ còn chờ lệnh khai hỏa, đẩy những người đồng minh NATO đối mặt với nhau.

Thế kẹt khó tháo gỡ

(ANTĐ) - Dưới sự yểm trợ của máy bay trực thăng, lính đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới dọc biên giới với Iraq. Tất cả chỉ còn chờ lệnh khai hỏa, đẩy những người đồng minh NATO đối mặt với nhau.

Các đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện trên sát biên giới với Iraq
Các đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện trên sát biên giới với Iraq

Đây là biện pháp trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra các cuộc xung đột trong ngày 19-6 giữa binh sỹ nước này với phiến quân thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq làm hơn 20 người thiệt mạng. Hãng thông tấn quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Anatolian cho biết các máy bay trực thăng vũ trang đã oanh tạc các vị trí tình nghi của PKK ở các tỉnh vùng núi Hakkari và Sirnak. Trong khi đó, tại Thủ đô Ancara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã chủ trì cuộc họp an ninh khẩn cấp với giới tướng lĩnh để bàn kế hoạch tác chiến.

Xem ra Thổ Nhĩ Kỳ không thể chịu đựng hơn nữa các hoạt động gây rối của PKK. Miền Bắc Iraq là nơi ẩn náu của gần 3,5 nghìn phần tử cực đoan người Kurd. Lực lượng này thường xuyên xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra các vụ xung đột đẫm máu mà vụ hôm 19-6 là trường hợp mới nhất. Thậm chí chúng còn đe dọa sẽ tấn công các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ nếu quân đội nước này mở các chiến dịch quân sự nhằm vào PKK.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải mạnh tay là hiểm họa mà PKK tạo ra với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Thực ra, các phiến quân PKK ở miền Bắc Iraq chỉ là một bộ phận nhỏ trong gần 25 triệu người Kurd sống khắp các vùng của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq, trong đó đông nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ với 15 triệu người. Là nhóm dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông nên từ bao đời nay, người Kurd luôn ấp ủ tham vọng hình thành một nhà nước độc lập.

Được thành lập vào những năm 1970, PKK đã phát động một cuộc chiến tranh vũ trang để đòi thành lập nhà nước Kurd độc lập bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 1984 đến nay, đã có tới 45.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sát hại trong các cuộc tấn công của PKK. Năm 1999, PKK bị giáng một đòn mạnh khi lãnh đạo của đảng này A. Ocalan bị bắt. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn không chịu buông súng và hoạt động của các phần tử cực đoan người Kurd ở miền Bắc Iraq luôn đặt Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng bất ổn.

Mở cuộc tấn công vào Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tháo bỏ mầm mống gây bất ổn nhưng lại phải đối mặt với những nguy cơ mới. Chính phủ Iraq chẳng thể cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ của mình để trấn áp các phần tử người Kurd bởi người Kurd là một lực lượng chủ chốt trên bàn cờ chính trị Iraq. Nếu như phớt lờ cảnh báo của Iraq mà quyết tràn qua biên giới, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối đầu với chính quyền khu vực người Kurd tại Iraq. Lúc đó chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - PKK sẽ trở thành cuộc chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq.

Nếu tính rằng Iraq hiện nay đang nằm trong sự quản lý về an ninh của tổ chức quân sự NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, thì việc đưa quân vào Iraq còn tạo ra cuộc đối đầu giữa những người đồng minh ngay trong NATO. Nghịch lý đã xuất hiện bởi nếu bình ổn được tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ thì lại tạo ra bất ổn ở Iraq và mâu thuẫn ngay trong nội bộ NATO. Những người đồng minh NATO đang rơi vào thế kẹt bởi cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK.

Hoàng Sơn