Thế kẹt của một cuộc chiến

ANTD.VN - 15 năm sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu 11-9-2001, nước Mỹ vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố và chưa thể dự đoán khi nào thì nó kết thúc.

Hiện trường vụ đánh bom khủng bố ở Boston, Mỹ năm 2013

Trước hết, hãy nghe những người trong cuộc nói gì. Đầu tiên là ông T. Kean, Chủ tịch Ủy ban 11-9 của Mỹ, một tổ chức lưỡng đảng hoạt động độc lập ra đời năm 2002 có nhiệm vụ soạn một bản báo cáo toàn diện và đầy đủ về vụ khủng bố 11-9-2001 và đề xuất các giải pháp phòng ngừa các vụ tấn công tương tự trong tương lai.

Trả lời báo chí, ông T. Kean nhận định, nước Mỹ đang ở trong thế bế tắc trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn ông L. Hamilton, đồng Chủ tịch Ủy ban 11-9,  cảnh báo rằng, nếu không tiến hành một số cải tiến cũng như đổi mới, nước Mỹ sẽ “lãng phí thêm 15 năm nữa mà không đưa ra được một chiến lược đúng đắn”.

Bên kia Đại Tây Dương, người đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ là Pháp cũng tỏ ra không mấy lạc quan. Kết quả thăm dò dư luận do Viện Elabe thực hiện theo yêu cầu của báo điện tử Atlantico cho thấy, đa số người Pháp đánh giá cuộc chiến chống khủng bố “không hiệu quả”. Thậm chí có tới 65% số người Pháp được hỏi đã chỉ trích các hành động của Chính phủ Pháp liên quan đến việc thắt chặt an ninh và giám sát các đối tượng tình nghi nhằm ngăn chặn khủng bố.

Sự tàn bạo và vô nhân tính của khủng bố là điều không thể chấp nhận trong thế giới ngày nay. Ký ức kinh hoàng của sự kiện 11-9 đã khiến nước Mỹ phải có hành động ngăn chặn. Kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đã phải chi hàng chục nghìn tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã tiêu tốn khoảng 6.000 tỷ USD, cao hơn gấp nhiều lần so với dự chi ban đầu của Nhà Trắng (từ 200 đến 400 tỷ USD). 

Phí tổn chi cho cuộc chiến chống khủng bố là không thể thống kê nổi, nhưng vấn đề mấu chốt là tình hình an ninh của Mỹ và nhiều nước phương Tây vẫn chưa được cải thiện, dân chúng các nước vẫn đang lo sợ khi phải sống trong một môi trường an ninh không chắc chắn, bởi nguy cơ bị khủng bố vẫn đang hiện hữu rất lớn, kể cả khi họ đang sống ở trong nước cũng như khi đi ra nước ngoài.

Có thể dẫn ra các vụ khủng bố như vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Lybia năm 2012, đánh bom ở Boston (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp)… để minh chứng cho tính chất nguy hiểm của tình hình. 

 Nhìn rộng ra thế giới, nào là đánh bom máy bay Nga, thảm sát tại Pháp, bắt cóc con tin ở Mali..., có lẽ chưa khi nào thế giới lại trở nên bất an như vậy trước sự manh động của các nhóm khủng bố, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bằng các cuộc tấn công có tổ chức gây tổn thất lớn, IS ngày càng lộ rõ âm mưu bành trướng và vươn xa hơn mục tiêu thành lập một vương quốc Hồi giáo. Điều này đặt ra cho các nhà lãnh đạo thế giới nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi huy động không chỉ vật chất, ý chí mà trên hết là sự liên kết toàn cầu.

Tuy nhiên, chính điểm cơ bản “cần đoàn kết” trong nỗ lực chống khủng bố này lại đang bị phân tán bởi nhiều lý do, trong đó có những ý kiến cho rằng cuộc chiến chống khủng bố đang bị lạm dụng và cả tính hai mặt của nó. Đã không ít lần người ta tranh cãi về khái niệm chống khủng bố, khi chứng kiến những vụ tấn công dưới cái mác “tiêu diệt khủng bố” lại nhằm chính vào thường dân vô tội, những cơ sở dân sự…

Thậm chí nhiều người cho rằng còn có một loại khủng bố quốc tế rất đáng lên án và ngăn chặn, đó là “khủng bố nhà nước”, nghĩa là sử dụng bộ máy nhà nước, sức mạnh quân sự của một quốc gia tấn công một quốc gia có chủ quyền khác, như những gì xảy ra ở Iraq. Theo khái niệm an ninh quân sự truyền thống thì đó là hành động xâm lược. Khi sự chung tay còn chứa nhiều vấn đề, thì cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi thế giới chưa thể đạt kết quả như mong đợi.