Thế giới vẫn bất đồng về ‘‘bài toán Syria”

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Syria chứng kiến sự đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc. Trong khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Nga và Trung Quốc lại phản đối động thái này. 

Tại cuộc gặp gỡ mới đây, Tổng thống Obama đã bất lực trước người đồng cấp Putin đầy cứng rắn. Ông chủ Nhà Trắng không thể thuyết phục Nga đồng ý với việc lật đổ Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tổng thống Nga Putin khẳng định: "Chúng tôi tin rằng, không ai có quyền quyết định thay cho các nước khác về việc ai nên cầm quyền và ai không nên cầm quyền”.

Không chỉ thất bại trong việc thuyết phục ông Putin, Tổng thống Mỹ cũng không thể làm thay đổi quan điểm và lập trường của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong vấn đề Syria. Bắc Kinh cùng với Matsxcơva là hai nước luôn phản đối sự can thiệp của phương Tây vào tình hình Syria. Cả Nga và Trung Quốc không dễ gì gật đầu đồng ý cho Mỹ và phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai để tranh thủ lợi ích.

Khi các cường quốc tiếp tục bất đồng về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria thì tình hình bạo lực ở đất nước này cũng leo thang từng ngày. Làn sóng bạo lực đẫm máu  không dứt đã khiến tình hình ở Syria hiện tại không khác gì một cuộc nội chiến. Tình hình đáng lo ngại đến mức nhóm quan sát viên của Liên Hợp Quốc được cử đến giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn ở Syria buộc phải chấm dứt hoạt động của họ hồi cuối tuần trước. 

 Theo con số thống kê do Liên hợp quốc cung cấp, hơn 10.000 người đã bị giết hại bởi lực lượng trung thành với Tổng thống Assad trong cuộc xung đột hiện nay. Trong khi đó, chính phủ Syria cáo buộc các nhóm khủng bố vũ trang dưới sự hậu thuẫn của nước ngoài đã sát hại ít nhất 2.600 binh lính và nhân viên an ninh. Cả hai phe chính phủ và nổi dậy đều không chịu đứng ra chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực chưa có lối thoát ở đất nước này.

Khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria diễn biến theo chiều hướng ngày một xấu, cộng đồng quốc tế đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria - cựu Tổng thư ký Kofi Annan cho biết, một hội nghị quốc tế về Syria có thể sẽ diễn ra ở Geneva vào ngày 30-6 tới. Theo lời ông Annan, ông sẽ có cuộc họp với Bộ trưởng đến từ “các nước có ảnh hưởng” để thảo luận về những biện pháp và hành động nhằm đảm bảo kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông này được thực thi. "Đã đến lúc các nước có ảnh hưởng cần phải tăng cường gây áp lực lên các phe phái ở Syria và thuyết phục họ rằng, việc chấm dứt bạo lực và ngồi lại đàm phán sẽ có lợi cho họ. Nếu không, tôi e rằng sẽ là quá muộn để ngăn chặn khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát", đặc phái viên Annan nói. 

Cựu Tổng Thư ký LHQ còn kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng đối với các bên xung đột cùng tham gia hành động vào kế hoạch hòa bình, không nên hành động đơn phương. Bởi, nếu các bên tiếp tục đối đầu  sẽ gây ra thảm họa khôn lường, và tất cả sẽ phải trả giá đắt bằng chính nỗi đau của người dân Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.

Trong một diễn biến khác,  Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến công du hai ngày đến Trung Đông vào đầu tuần tới trong nỗ lực khẳng định tiếng nói của Nga tại một khu vực gia tăng quá nhiều bất ổn trong hơn một năm qua. 

Chuyến đi bắt đầu ngày 25-6. Tổng thống Nga Putin sẽ đến thành phố Netanya của Israel, thảo luận với các nhà lãnh đạo nước này, sau đó gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Quốc vương Jordan Abdullah II. 

Trong chuyến đi, ông Putin sẽ tham dự lễ ra mắt Trung tâm văn hóa Nga ở Bethlehem - thành phố của Palestine ở miền Trung Bờ Tây và lễ khánh thành một nhà khách ở Jordan dành cho những người hành hương Thiên Chúa giáo. Bên cạnh những hoạt động mang tính giao lưu văn hóa, mục đích chính của chuyến thăm Trung Đông lần này là sứ mệnh ngoại giao mà một nước lớn như Nga cần thực hiện. 

Động thái này được giới quan sát ví như “gạt” Mỹ sang một bên, nhất là khi những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền ông Obama khó có thể thay đổi tiến trình hòa bình Trung Đông được kỳ vọng lớn trước đó. Một mặt, Nga muốn khẳng định vai trò trong việc góp phần gỡ rối tình hình ngày càng phức tạp ở Syria. Ông Alexander Filonik, chuyên gia về Trung Đông ở Viện Nghiên cứu Đông Phương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhận định chuyến thăm của ông Putin rõ ràng có liên quan đến những gì đã xảy ra dồn dập ở Syria thời gian qua. Những ngày gần đây, xung quanh vấn đề Syria, Mỹ và Nga đã có khá nhiều mâu thuẫn. 

Mặt khác, Nga muốn ngầm khẳng định với Mỹ rằng cuộc chơi không thể mãi bị một người ngoài cuộc như Mỹ điều khiển và Nga đang trên đường khẳng định chiến lược chi phối Trung Đông của mình. Nhiều thập niên qua, Mỹ luôn ở thế chủ động triển khai quân đội đến Trung Đông nhằm bảo đảm quyền chi phối dầu cũng như dùng quyền lực của một nước lớn để thúc đẩy hòa bình giữa Israel và các quốc gia láng giềng Ảrập. Nhưng trong bối cảnh hậu Mùa xuân Ảrập như hiện nay và khi hy vọng làm trung gian cho một hiệp ước hòa bình Israel - Palestine bị dập tắt, Israel không còn nhất nhất nghe theo Mỹ thì rõ ràng, cán cân quyền lực đã thay đổi.