Thấy gì từ chính sách cấm xe máy ở Quảng Châu?

ANTĐ - Thiếu sót lớn nhất của chính quyền thành phố Quảng Châu trong quá trình thực hiện chính sách cấm xe máy có lẽ là chưa chuẩn bị tốt hệ thống giao thông công cộng trên toàn thành phố.
Vào đầu thập niên 80, ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, việc ai đó có một chiếc xe máy cũng “đẳng cấp” như sở hữu một chiếc ô tô nhập khẩu đắt tiền ngày nay. Năm 1978, số lượng xe máy đăng ký ở Quảng Châu chỉ là 3.866 chiếc, đa số chủ sở hữu là Hoa kiều.

Đến thời kỳ cải cách và mở cửa nền kinh tế vào đầu thập niên 80, với vị trí là một trong những thành phố cảng mở, Quảng Châu chứng kiến những hoạt động kinh tế sôi động, đời sống của người dân nhanh chóng được cải thiện. Xe máy dần trở thành phương tiện đi lại phổ biến của hàng triệu hộ gia đình. Năm 1982, số lượng xe máy đăng ký ở Quảng Châu tăng lên 8.892 chiếc, trên tổng dân số khoảng 3,2 triệu người. Đa số chủ sở hữu xe máy khi đó là những người làm kinh doanh. Đến năm 1988, số lượng xe máy ở đây đã vượt mốc 100.000 chiếc, với tốc độ tăng trưởng khoảng 40%/năm trong một thập kỷ.

Trước thập niên 90, xe máy chủ yếu được dùng làm phương tiện đi lại của các gia đình. Nhưng sang đầu thập niên 90, người dân địa phương bắt đầu dùng xe máy để chở khách kiếm tiền. Thời gian này, lượng xe máy ở Quảng Châu tăng lên chóng mặt. Theo số liệu thống kê, năm 1992, số lượng xe đăng ký đã vượt mốc 200.000 chiếc. Đến năm 1995 tăng lên 361.016 chiếc.

Giữa thập niên 90, lớp tài xế xe ôm đầu tiên - hình thành từ đầu thập niên - dần chuyển sang làm các công việc khác, và một số lượng lớn người từ các địa phương khác gia nhập đội ngũ xe ôm ở Quảng Châu. Đến cuối thập niên 90, hơn 90% người làm nghề lái xe ôm là lao động nhập cư.

Năm 1997, lượng xe máy ở Quảng Châu đạt con số kỷ lục 401.655 chiếc. Lúc này, xe máy và xe buýt là phương tiện giao thông chủ yếu ở Quảng Châu, thay thế xe đạp.

Để hạn chế xe máy bên ngoài đổ về nội thành Quảng Châu, năm 1998, chính quyền thành phố đã áp dụng một số chính sách, như đánh dấu đăng ký để phân biệt xe nội thành với ngoại thành, sau đó tổ chức kiểm tra đăng ký xe máy ở nội thành, và cấm xe máy mang biển đăng ký ngoại thành hoạt động trong thành phố. Tuy nhiên, những biện pháp này không hiệu quả, vì khó thực hiện, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhiều xe máy không đăng ký chạy khắp thành phố.

Vào đầu những năm 2000, ước tính tổng số xe máy lưu thông ở Quảng Châu là 500.000 chiếc, trong khi con số đăng ký tại Quảng Châu chỉ có 260.000.

Mặc dù chính quyền thành phố đã có các biện pháp hạn chế, nhưng lượng xe máy vẫn tăng lên.

Lý do cấm xe máy

Những lý do được chính quyền thành phố Quảng Châu nêu ra khi cân nhắc cấm xe máy là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, tăng nguy cơ tai nạn và tử vong, hoạt động xe ôm trái phép, giao thông hỗn loạn, làm xấu hình ảnh của một đô thị hiện đại, nạn trộm cắp, cướp giật và mất an ninh trật tự.

Tiếng ồn đo được khi một chiếc xe máy chạy qua có thể lên tới 80,4dB và khi xe nổ máy là từ 90-100dB, cao hơn tiếng ồn do ô tô gây ra 31dB và cao hơn tiêu chuẩn tiếng ồn môi trường cho phép (55dB) và tiếng ồn giao thông (70dB) của thành phố Quảng Châu. 

Về nguy cơ tai nạn, chỉ riêng nửa đầu năm 2003, số vụ tai nạn xe máy ở Quảng Châu lên tới 3.044, với 363 người tử vong (trung bình mỗi ngày có 2 người thiệt mạng do tai nạn giao thông), và trong đó, số người tử vong do tai nạn xe máy chiếm tới 43,61%.

Những chiếc xe máy ồn ào len lỏi trong ngõ nhỏ vừa gây mất trật tự, vừa mất an toàn cho người dân. Vỉa hè dành cho người đi bộ cũng bị xe máy chiếm dụng. Ngoài ra, việc xe ôm dồn về các bến xe buýt, tàu điện ngầm, dù tiện lợi cho nhu cầu đi lại của người dân nhưng lại gây nên tình trạng giao thông lộn xộn, ảnh hưởng tới không gian của người đi bộ. Xe ôm thường đứng trên vỉa hè và quanh khu bến xe buýt, nơi tập trung đông người đi bộ, người bán hàng rong, người đứng chờ xe buýt... tạo nên khung cảnh lộn xộn, mất an ninh trật tự.

Các giải pháp và tác động

Trước khi lệnh cấm hoàn toàn xe máy được thực thi vào ngày 1/1/2007, thành phố Quảng Châu đã từng bước áp dụng một số biện pháp hạn chế xe máy từ đầu thập niên 90, như hạn chế đăng ký xe máy, cấm xe máy mang biển đăng ký ngoại thành vào 8 quận nội thành từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (từ tháng 10/1991), ngừng cấp đăng ký xe máy từ năm 1995, cấm xe máy trên một số tuyến đường, cấm xe máy ngoại thành vào nội thành từ năm 1999... 

Một thanh chắn bằng thép được đặt ngang đường ở Panyu, Quảng Châu, để chặn xe máy -
một biệp pháp “cứng” để thực thi các quy định hạn chế xe máy của thành phố
 trước khi chính quyền thành phố ban hành lệnh cấm hoàn toàn xe máy

Từ ngày 1/1/2007, lệnh cấm hoàn toàn xe máy chính thức có hiệu lực tại Quảng Châu. Cảnh sát đã lập 30 điểm kiểm tra trên khắp thành phố để thực thi lệnh cấm.

Hiệu quả là giảm hắn tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông ở Quảng Châu.

“Lệnh cấm xe máy có lợi cho chúng tôi. Lâu nay, chúng tôi luôn lo sợ bọn cướp đi xe máy dễ dàng tẩu thoát. Nhưng dịch vụ xe buýt và hệ thống tàu điện ngầm đã trở nên quá tải. Phương tiện giao thông công cộng cần hiệu quả hơn nữa để đáp ứng lưu lượng khách đông lên,” ông Huang, 56 tuổi, cho biết.

“Tôi không còn lo lắng về nạn cướp giật bằng xe máy nhiều như trước kia nữa,” cô Li, một người sống trên đường Taihe, cho biết.

Ngoài ra, theo tính toán của Uỷ ban môi trường Quảng Châu, lệnh cấm xe máy giúp giảm 24.000 tấn CO, 300 tấn NO2 và 300 tấn chất hạt thải ra không khí mỗi năm.

Nhiều người dân trước đây thường đi làm bằng xe máy đã chuyển sang tàu điện ngầm và xe buýt. Chính quyền thành phố đã thay đổi các tuyến xe buýt để tăng cường xe đón khách ở bên ngoài các ga tàu điện ngầm.

Những người di chuyển gần thì dùng xe đạp thay cho xe máy. Tuy nhiên, nhiều người dân sống ở ngoại thành thấy việc đi vào trung tâm khá bất tiện sau lệnh cấm xe máy.

Trong ngày đầu thực hiện lệnh cấm, Gong Xiaoqing, một ngời sống ở quận Luogang, ngoại thành Quảng Châu, đã phải chờ xe buýt gần một tiếng. “Ngoài xe buýt ra, tôi chẳng có phương tiện nào khác. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt,” ông chia sẻ.

Các công nhân di chuyển một số phụ tùng xe máy tại một bãi xe ở Quảng Châu sau
khi chính quyền tỉnh Quảng Đông ban hành lệnh cấm xe máy.  (Ảnh: AP)

Một số người hành nghề xe ôm đã đưa xe máy vào bãi tập kết của nhà nước để nhận một khoản bồi thường khiêm tốn, rồi đi tìm việc mới; một số khác ra ngoại thành tiếp tục chạy xe. Những người kinh doanh xe máy cũng lao đao.

Những tác động tích cực của lệnh cấm xe máy ở Quảng Châu là không thể phủ nhận. Chỉ 8 tháng sau khi lệnh cấm có hiệu lực, số vụ va chạm giao thông đã giảm 17,5% so với một năm trước đó, số người tử vong giảm 2,2% và số trường hợp bị chấn thương do va chạm giao thông giảm 20,4%. Ngoài ra, số vụ cướp giật giảm 44,3%.

Một mặt tích cực nữa là không gian đi bộ trên toàn thành phố Quảng Châu được cải thiện rõ rệt. Cảnh quan thành phố văn mình, bớt nhếch nhác hẳn. Hệ thống giao thông công cộng cũng phát triển nhanh chóng, với các phương tiện như tài điện ngầm, xe buýt thường và xe buýt nhanh (BRT) đến nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và cả khách du lịch.

Những bài học

Hình ảnh điển hình của giao thông Quảng Châu vào giờ cao điểm chiều. (Ảnh: Xinhua)

Trước khi chính thức áp dụng lệnh cấm xe máy, chính quyền Quảng Châu chưa có sự chuẩn bị tốt về hệ thống giao thông công cộng trên toàn thành phố. Một năm sau khi lệnh cấm có hiệu lực, thành phố mới hoàn tất việc bổ sung vào mạng lưới xe buýt hơn 50 tuyến ngắn dẫn vào các phố nhỏ quanh bến xe buýt và ga tàu điện ngầm. Kết quả là trong vòng một năm sau khi áp dụng lệnh cấm, đã nở rộ nhiều dịch vụ xe buýt cỡ nhỏ (minibus) và xe máy kéo. Các loại xe này nhìn chung được cảnh sát giao thông châm chước, nhưng cũng không được công nhận hợp pháp, và do đó thuộc diện bị tịch thu nhằm loại bỏ khỏi hệ thống giao thông.

Do sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng của chính quyền thành phố, nên sau lệnh cấm xe máy ở Quảng Châu, xe buýt trở nên quá tải. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ một thời gian ngắn sau khi áp dụng lệnh cấm, chỉ có 18% người sử dụng xe máy đã chuyển sang ô tô, 9% chuyển sang đi bộ, và khoảng 50% chuyển sang đi xe buýt. Nhu cầu sử dụng xe buýt tăng đột biến, cùng với việc tốc độ xe buýt giảm xuống, do tắc đường, đã dẫn đến việc xe buýt bị quá tải. Tình trạng quá tải lại làm giảm tốc độ của xe buýt vì thời gian xếp hàng và lên xuống xe của hành khách tăng lên.

Với kế hoạch cấm sử dụng xe máy, lẽ ra chính quyền thành phố phải chuẩn bị các phương án thay thế (phương tiện giao thông công cộng) song song với lệnh cấm.

Tình trạng xáo trộn kéo dài khoảng một năm ở Quảng Châu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chính sách và chiến lược triển khai có tính dài hạn nhằm đạt được sự ủng hộ cao của cộng đồng.