Thanh tra Ngân hàng Nhà nước: Không có ngân hàng nào cho vay đấu giá đất Thủ Thiêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, qua rà soát, không có ngân hàng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.

Trước đó, chiều 15/1, NHNN đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo về sự việc, chỉ còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin báo cáo muộn vài ngày.

Bên cạnh đó, NHNN còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.

Việc doanh nghiệp trúng đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm cao chót vót khiến dư luận đặc biệt quan tâm

Việc doanh nghiệp trúng đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm cao chót vót khiến dư luận đặc biệt quan tâm

Qua rà soát, có 4 công ty là Công ty CP Dream Republic, CTCP Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các doanh nghiệp trúng đấu giá.

“Kết quả rà soát cũng cho thấy, không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm liên quan đến 4 công ty trên”, ông Nguyễn Văn Du cho biết.

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản có yếu tố đầu cơ sẽ là một trong những nhóm đối tượng sẽ được ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn trong năm 2022.

“Vừa qua có một số vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực bất động sản, NHNN cũng theo dõi rất sát và sẽ có những hội nghị chuyên đề về vấn đề này nhằm hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng dòng tiền chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn yếu tố đầu cơ”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020.

Tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.