Thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được giao làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án tuyến metro số 5 Hà Nội, Văn Cao- Hòa Lạc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 1699/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được giao làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ này làm Phó chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên của Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo 14 Bộ, ngành gồm: GTVT, Tài chính, Xây dựng, TN-MT, Công Thương, NN&PTNT, Quốc phòng, Công an, KH-CN… và lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Hội đồng, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực của Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành thực hiện trách nhiệm quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 131/2015 của Chính phủ về hướng dẫn dự án quan trọng quốc gia và quy định pháp luật liên quan.

Chính phủ quyết định định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

Chính phủ quyết định định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

“Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thuê tư vấn nước ngoài hoặc liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra dự án theo quy định tại Nghị định số 131/2015”, theo nội dung quyết định.

Cũng theo quyết định, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan trong quá trình thẩm định dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định pháp luật.

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng với chiều dài 38,4 km với 21 nhà ga.

Tổng mức đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 2021-2025, đưa vào khai thác, vận hành cuối năm 2025.

Đoàn tàu của tuyến Văn Cao - Hòa Lạc là tàu điện có 4 toa cho giai đoạn năm 2025-2040 và 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau. Tàu được đề xuất có tải trọng trục 15-16 tấn, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h (riêng trong đoạn hầm là 90km/h).

Về thời gian thực hiện, dự kiến trong năm 2020 hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Triển khai các bước tiếp theo trong 5 năm, đến cuối năm 2025 vận hành thử và bàn giao dự án.

UBND TP Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia) để hoàn thành dự án trong 5 năm, từ 2021-2025. Theo mô hình trên, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư lựa chọn một nhà thầu có kinh nghiệm và năng lực quản lý triển khai thực hiện dự án theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (Project Delivery Partner, là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm và chịu toàn bộ rủi ro để thực hiện dự án.