Thận trọng khi sử dụng phấn rôm cho trẻ

(ANTĐ) - Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phấn rôm dành cho trẻ em. Không ít bậc cha mẹ đã sử dụng phấn rôm một cách vô tội vạ, coi đó là một loại mỹ phẩm chống hăm, làm mát da mà không biết đằng sau đó là những nguy hại nếu sử dụng không đúng cách…

Thận trọng khi sử dụng phấn rôm cho trẻ

(ANTĐ) - Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phấn rôm dành cho trẻ em. Không ít bậc cha mẹ đã sử dụng phấn rôm một cách vô tội vạ, coi đó là một loại mỹ phẩm chống hăm, làm mát da mà không biết đằng sau đó là những nguy hại nếu sử dụng không đúng cách…

Cần sử dụng phấn rôm đúng cách, tránh gây nguy hiểm cho trẻ. Ảnh có tính minh họa
Cần sử dụng phấn rôm đúng cách, tránh gây nguy hiểm cho trẻ.                                                   Ảnh có tính minh họa

Thơm thì có thơm…

Dạo một vòng qua phố Lãn Ông, Sơn Tây (Hà Nội) và các cửa hàng bán đồ dành cho trẻ em, dễ dàng bắt gặp phấn rôm được bày bán khá phong phú về chủng loại và giá cả. Tại một cửa hàng trên phố Lãn Ông, khi thấy chúng tôi cầm một lọ phấn rôm trên tay, chị Vũ Thanh Trà - một khách hàng ở đường Kim Mã, quận Cầu Giấy lo ngại: “Trước đây tôi thường dùng phấn rôm để xoa ngoài da cho con hàng ngày mỗi khi tắm xong vì thấy sau khi xoa vào, da trẻ có vẻ khô và thơm, giúp phòng tránh rôm sảy.

Nhưng cách đây khoảng 1 tháng, sau khi bôi phấn rôm xong, tôi thấy con bị ho nhiều kèm theo đó là hắt hơi, sổ mũi và thở khò khè. Cho con đi khám, tôi mới biết cháu bị ngộ độc do hít phải phấn rôm. Tôi cũng được nhiều người cho biết khi bôi phấn rôm vào vùng bị hăm cho con thì thấy vùng da đó không những không khỏi hăm mà còn bị nặng hơn, rất khó chữa. Từ đó, tôi không dám sử dụng phấn rôm cho con nữa”…

Được biết, phấn rôm là loại bột màu trắng có nhiều công thức hóa học khác nhau, nhưng thành phần chính là bột talc. Đây là một khoáng chất khai thác từ mỏ, có thành phần cấu tạo chủ yếu là silicate magnesium ngậm nước, điều chế thành dạng bột phấn. Bột talc được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp để làm thức ăn cho vật nuôi, dây cáp, gạch men… Đặc tính của phấn rôm là không tan trong nước và không bị phân hủy bởi vi khuẩn. Những thành phần khác thường có trong phấn trẻ em bao gồm muối canxi kẽm, chất béo và dầu thơm.

 Ngoài ra, người ta còn dùng bột bắp thay cho bột talc trong phấn trẻ em. Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, trong phấn rôm có chứa rất nhiều thành phần có khả năng hút ẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng thấm hút của phấn rôm rất thấp so với tã, lại có thể gây nên những kích ứng cho da của bé. Ưu điểm khác của phấn rôm là có mùi thơm dễ chịu, song mùi hương và tác dụng chống ma sát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn…

…Nhưng phấn rôm có thể gây viêm phổi!

Khi hít phải lượng phấn rôm nhiều, trẻ có thể viêm phổi, khiến cho phổi bị sưng, viêm và gây bệnh trong đường thở. Kích thước trung bình của hạt phấn rôm nhỏ nên hoàn toàn có thể thâm nhập vào tận phế nang. Bên cạnh đó, khi bị hít vào phổi, phấn rôm có thể làm tắc đường dẫn khí, cản trở hoạt động của các nhung mao hô hấp, dẫn đến ho, thậm chí suy hô hấp di chứng phổi lâu dài. Việc tích tụ phấn rôm trong phổi sẽ làm tắc nghẽn đường thở ở nhiều mức độ gây thiếu oxy. Mặt khác, đối với trẻ chỉ cần hấp thu một lượng rất nhỏ thành phần chính hoạt thạch của phấn rôm vào cơ thể là trẻ đã bị loại bỏ khả năng tự vệ của khí quản. Khi được hấp thu lượng lớn, loại bột này sẽ hút khô các chất mà lớp ngoài của khí quản tiết ra, phá hoại chức năng của khí quản và có khả năng gây tắc khí quản. Điều đáng nói là hiện nay mới chỉ có thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

Trên thực tế, đã có những trường hợp ngộ độc phấn rôm liều lớn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được ghi nhận. Có trường hợp đã tử vong. Theo báo cáo hàng năm của Trung tâm kiểm soát độc chất Mỹ, có gần 6.300 ca ngộ độc phấn rôm trong năm 2002, 91% trong số đó là trẻ dưới 6 tuổi và gần 5% là người lớn. Các nhà nghiên cứu Paris (Pháp) cũng cảnh báo, với trẻ em gái tuyệt đối không được thoa phấn rôm vào nửa thân mình dưới. Bởi việc lạm dụng phấn rôm trong thời gian dài đối với bé gái sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh ung thư buồng trứng trong tương lai gần 4 lần. Theo thống kê của các nước, cứ 70 bé gái có sử dụng phấn rôm thì có 1 bé khi lớn lên sẽ bị khối u ác tính ở buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ thoa phấn rôm hàng ngày sẽ tăng lên tới 40%.

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngộ độc do hít phấn rôm xảy ra do sử dụng thường xuyên không đúng cách hoặc do trẻ lấy chơi nghịch và hít phải. Ngộ độc cấp do hít phải phấn rôm gây ho, khó thở, thở nhanh, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và phù phổi. Biểu hiện lâm sàng thường nặng theo thời gian, diễn tiến suy hô hấp xuất hiện sau nhiều giờ. Biểu hiện đặc trưng là ho nhiều, khó thở, thở có tiếng rít, tức ngực. Mức độ trầm trọng của xơ phổi tương quan với thời gian tiếp xúc và độ tập trung bụi phấn.

Để có thể tránh những hậu quả nguy hại đến sức khỏe, khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý nên dốc phấn rôm nhẹ nhàng ra lòng bàn tay rồi thoa từ từ lên người trẻ ở những nơi có rôm và có khả năng có rôm, không dùng bông để thoa chấm vì như vậy sẽ làm tung bột phấn, khiến trẻ dễ hít phải. Sau khi sử dụng phải đậy nắp lại cẩn thận, để nơi khô ráo và xa tầm tay trẻ.

Tuyệt đối không cho trẻ cầm hộp phấn rôm để chơi và tối kỵ trẻ đưa vào mồm ngậm, không thoa lên mặt, mắt, tránh vùng âm hộ - âm đạo của trẻ gái và vùng da bị hăm, tổn thương. Tránh bôi phấn rôm cho trẻ ở nơi có gió. Nên hỏi bác sĩ về việc chọn loại phấn rôm dùng cho trẻ, lựa chọn những sản phẩm đã được tổ chức FDA chứng nhận chất lượng, chú ý đến hạn dùng của phấn…

Huệ Linh