Thảm kịch Budyonnovsk - bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố ở Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bối cảnh an ninh nước Nga thời hậu Xô Viết dần trở nên khắc nghiệt bởi sự xuất hiện của những kẻ ly khai và tín đồ Hồi giáo cực đoan với các màn khủng bố bằng cách tạo ra khủng hoảng con tin. Trong đó, thảm kịch Budyonnovsk năm 1995 do những kẻ khủng bố Chechnya bắt giữ 1.500 con tin trong bệnh viện, được nhắc đến như một trong những sự kiện buộc Nga phải thay đổi chiến lược chống lại loại tội phạm này.
Trùm khủng bố Shamil Basayev trong vụ bắt giữ con tin của phiến quân Chechnya tại bệnh viện Budennovsk ngày 18-6-1995

Trùm khủng bố Shamil Basayev trong vụ bắt giữ con tin của phiến quân Chechnya tại bệnh viện Budennovsk ngày 18-6-1995

Kế hoạch táo tợn

Tính đến mùa hè năm 1995, bất ổn ở Chechnya đã diễn ra được 6 tháng. Sau các cuộc giao tranh đẫm máu nhằm chiếm thủ phủ Grozny, thủ lĩnh phe ly khai Dzhokhar Dudayev bắt đầu rút về phía Nam và ngày càng bị đẩy về vùng núi sâu hơn. Dudayev cần thứ gì đó để xoay chuyển tình thế. Kế hoạch táo bạo đã được vạch ra và kẻ chủ mưu là Shamil Basayev - nhân vật chủ chốt trong số các lãnh chúa Chechnya.

Basayev được chú ý vào năm 1991 khi phong trào ly khai Chechnya bắt đầu nổi lên và Dudayev tuyên bố độc lập cho Chechnya. Thời điểm đó, Basayev đã thực hiện vụ khủng bố đầu tiên là cướp một chiếc máy bay tại sân bay Mineralnye Vody đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vì đòi tiền chuộc như một tên tội phạm thông thường, Basayev đòi họp báo và khoe khoang trước giới truyền thông. Sự việc không khiến ai thiệt mạng và kẻ khủng bố nhận ra sức mạnh của bạo lực kết hợp với phương tiện truyền thông sẽ ảnh hưởng đến dư luận thế nào.

Khi giao tranh xảy ra, Basayev chỉ huy một nhóm lớn nhưng bị tổn thất nặng nề. Các tay súng thất trận có thể đầu hàng để được ân xá, nhưng đối với các chỉ huy thì không. Những người như Basayev không có gì để mất. Hắn ta đã nảy ra ý tưởng bắt cóc con tin để đòi hỏi yêu sách chính trị. Mục tiêu dự kiến của nhóm khủng bố là sân bay Mineralnye Vody. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng, đông đúc vào mùa hè. Đội quân này dự kiến tung 195 tay súng được vũ trang tiểu liên, súng máy, súng phóng lựu chống tăng vào vụ việc, thậm chí có cả các tay súng bắn tỉa, chuyên gia đặt mìn và chất nổ. Tất nhiên, không thể đưa cả đội quân khủng bố đông đúc này di chuyển bằng ô tô, vì vậy Basayev đã tổ chức thành một đoàn xe giả mạo quân đội.

Đoàn xe quân sự giả mạo này được một chiếc xe đóng giả cảnh sát dẫn đường, khởi hành ngày 13-6 trên tuyến đường nông thôn để tránh trạm kiểm soát. Trên đường đi, đoàn xe được cho là đi qua thị trấn Budyonnovsk. Năm 1995, đó là một thị trấn nhỏ của tỉnh với 60.000 dân - một nơi yên tĩnh ở giữa thảo nguyên, không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Chechnya. Khoảng giữa trưa, đoàn xe của Basayev đi qua ngã rẽ dẫn đến Budyonnovsk, nhưng đến ngã tư thì bị cảnh sát giao thông chặn lại kiên quyết đòi kiểm tra. Basayev đồng ý cùng đi đến đồn cảnh sát Budyonnovsk để giải thích và câu chuyện kịch tính bắt đầu.

Cơn ác mộng giữa ngày hè

Một số cảnh sát bị những kẻ khủng bố nhảy ra khỏi xe và bắn chết ngay tại chỗ. Sau đó chúng xông vào đồn giết tất cả những ai ở trong tầm mắt. Các cảnh sát Budyonnovsk nhanh chóng phản ứng, nhưng dù đã nỗ lực hết sức họ vẫn không đấu nổi 200 phiến quân được vũ trang đến tận răng. Một trong những người dũng cảm đó là Thiếu tá Panteleyev. Dù đang nghỉ phép, nhưng khi biết được những gì xảy ra, ông lao đến đồn cảnh sát và chiến đấu với những kẻ khủng bố bằng khẩu súng săn của mình. Căn cứ không quân gần đó gồm 30 phi công và nhân viên bảo dưỡng cũng lập tức đến ứng cứu. Tuy nhiên, do chỉ được trang bị súng ngắn, họ không phải đối thủ của những kẻ khủng bố và cuối cùng đành rút lui với một số thương vong.

Vụ việc vỡ lở, đội quân khủng bố của Basayev chia thành các tốp nhỏ hơn, nhóm cướp ngân hàng, nhóm chiếm giữ tòa thị chính hay trường cao đẳng y tế địa phương. Trên đường đi, những kẻ khủng bố đã bắt bất cứ ai chúng gặp để làm con tin. Đó có thể là kế hoạch B của chúng, nhưng với người dân địa phương, nó giống một cơn ác mộng.

Raisa Kolmychenko và đồng nghiệp đóng vội cửa văn phòng khi nghe tin tức. Khi những kẻ khủng bố không vào được rồi bỏ đi, Raisa mở cửa và chứng kiến quang cảnh như trong bộ phim về ngày tận thế. Những chiếc xe cửa mở toang lỗ chỗ đầy vết đạn, máu đọng khắp nơi trên vỉa hè, tòa nhà đang bốc cháy gần đó. Vào thời điểm đó, cô không biết chồng mình đã chết trên đường phố. Hơn 90 người đã thiệt mạng ở Budyonnovsk vào ngày hôm đó.

Bệnh viện Budyonnovsk dồn dập nạn nhân nặng vào cấp cứu. Nhưng ở nơi chật cứng người này, những kẻ khủng bố cũng tìm đến sau khi xả súng khắp nơi. Tất nhiên không ai có thể ngăn cản bọn chúng. Các bác sĩ, bệnh nhân và những người khác trở thành con tin. Basayev ngay sau đó đã tuyên bố yêu sách cả về chiến lược (công nhận nền độc lập của Chechnya và Nga phải rút quân khỏi nước cộng hòa này) lẫn những yêu cầu tức thời hơn (cho phép các nhà báo tiếp cận). Khi các phóng viên chưa đến, hắn ta đã bắn một vài con tin. Basayev thiết lập một pháo đài trong bệnh viện với 1.500 con tin bên trong.

Ngay khi nghe tin, các đơn vị lục quân và lực lượng đặc nhiệm đã lên đường đến Budyonnovsk. Đứng đầu chiến dịch là Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Sergey Stepashin, Bộ trưởng Bộ Dân tộc Nikolay Yegorov và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Viktor Yerin. Thật không may, họ không có kinh nghiệm ứng phó với vụ khủng bố có quy mô lớn như vậy. Các đội Alfa và Vympel được huấn luyện về chống khủng bố cũng đã đến Budyonnovsk. Họ tính toán rằng, việc xông vào tòa nhà sẽ dẫn đến thương vong hàng loạt cho các con tin và binh lính, nhưng vẫn phải tấn công. Trong khi tình trạng xung quanh bệnh viện rất hỗn loạn, Basayev tranh thủ trả lời phỏng vấn báo chí và thể hiện rõ ý đồ của mình.

Cuộc tấn công được phát động vào ngày 17-6, nhưng dưới sự chỉ đạo của các quan chức không phải chuyên gia chống khủng bố, nhiều yếu tố quan trọng đã không được tính đến. Ví dụ, tiếng xe cấp cứu hay xe bọc thép gầm rú quanh khu vực khiến những kẻ khủng bố cảnh giác. Khởi đầu, Đội đặc nhiệm Alfa và Vympel bắn vào bức tường có các cửa sổ để tạo hiệu ứng tâm lý. Đương nhiên, những kẻ khủng bố không nao núng. Giai đoạn đầu, lính đặc nhiệm có thể lên tầng 2, nhưng họ sẽ phải vượt qua những hành lang đầy con tin và những kẻ khủng bố đang bắn từ sau lưng họ. Kết quả 10 phiến quân bị tiêu diệt, còn đặc nhiệm Nga cũng mất 3 người và hơn 20 binh sĩ khác bị thương. Sau 14h ngày 17-6, bọn khủng bố thả tự do cho các bà mẹ có con nhỏ và các lực lượng đặc nhiệm đã rút lui vào thời điểm này.

Cuộc khủng hoảng con tin ở bệnh viện Budennovsk khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh hoảng loạn

Cuộc khủng hoảng con tin ở bệnh viện Budennovsk khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh hoảng loạn

Sự kiện thay đổi chiến lược chống khủng bố

Ngày hôm sau, các nhà hoạt động nhân quyền Nga và Thủ tướng Viktor Chernomyrdin đã tham gia các cuộc đàm phán. Basayev cuối cùng đã điều chỉnh những yêu cầu ban đầu. Hắn muốn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và cấp xe buýt để cả nhóm có thể quay trở lại Chechnya. Tay trùm đã bắt khoảng 100 con tin trên hành trình này, gồm các nhà báo, chính trị gia và nhân vật của công chúng. Không ai tấn công những kẻ khủng bố trên đường đến Chechnya, nhiều chuyên gia đồng ý rằng đây là sai lầm chết người. Lẽ ra thay vì xông vào bệnh viện và gây ra những cái chết không đáng có, nhà chức trách có thể đưa xe buýt cho những kẻ khủng bố rồi tấn công khi chúng rút lui với ít con tin hơn và không còn pháo đài ẩn náu.

Khi nhóm của Basayev đến Zandak (một ngôi làng ở Chechnya), chúng đã thả các con tin và biến mất trong những rặng núi. Các cuộc đàm phán với các lãnh chúa Chechnya sau đó kéo dài 3 tháng, thời gian đủ để những kẻ khủng bố hồi phục sức khỏe, chiêu mộ những tín đồ mới và chiếm lại một số thị trấn và làng mạc của người Chechnya. Ba ngày sau khi sự việc kết thúc, các y bác sĩ trở lại bệnh viện và chứng kiến cảnh máu ở khắp nơi, không khí đậm một mùi kinh khủng. Họ đã xây dựng lại bệnh viện từ con số 0 trong vòng 1 năm.

150 người thiệt mạng ở Budyonnovsk, trong đó ngoài 14 binh sĩ, 18 cảnh sát, còn lại là dân thường. Đáng buồn thay, đây chưa phải là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Nga. Kỷ lục thuộc về thảm kịch Beslan vào ngày khai giảng năm học 2004. Tuy nhiên, Budyonnovsk là sự kiện để lại bài học đáng nhớ trong cuộc chiến chống khủng bố. Khi đó, những kẻ khủng bố đã thay đổi được cục diện cuộc chiến trong bối cảnh gần như đã thua cuộc nhờ áp dụng chiến thuật tạo ra một cuộc khủng hoảng con tin. Nhưng chính điều đó khiến các chính trị gia và tướng lĩnh sau này đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, đó là quyết tâm tiêu diệt những kẻ khủng bố, không khoan nhượng khi nói đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Vào năm 1995, người Nga đã nhìn thấy đất nước của họ yếu kém và không có khả năng tự vệ. Cùng với thời gian, sự tổn thương đó đã hình thành khát vọng chiến thắng trong mọi cuộc chiến, bất kể giá nào.