"Thảm án vì nạn săn phù thủy"

ANTĐ - Chỉ trong vòng một tuần tại 2 ngôi làng xa xôi của Ấn Độ đã xảy ra 2 vụ thảm án xuất phát từ việc những nạn nhân bị cáo buộc “dùng tà thuật” gieo rắc bệnh tật cho người dân trong làng. Hiện nay, dù không có thống kê chính thức về những trường hợp bị chặt đầu, thiêu sống hoặc đâm tới chết bởi những cáo buộc mang tính dị đoan, nhưng cảnh sát cho biết các vụ “săn phù thủy” ở vùng núi cao hẻo lánh của Ấn Độ, nơi nhiều bộ lạc vẫn còn sống ở trình độ thấp kém, niềm tin vào ma thuật đã hằn sâu vẫn ngày ngày diễn ra một cách đáng sợ.

Án oan

Ngày 20-7, cảnh sát địa phương cho biết bà Purni Orang, 63 tuổi, bị đổ lỗi gieo rắc bệnh tật cho người dân ngôi làng ở quận Sonitpur (bang Assam, Ấn Độ). Một số người bị ốm và họ cho rằng chính bà Orang là kẻ đứng sau chuyện này. Họ cũng cáo buộc người phụ nữ lớn tuổi là một mụ phù thủy.

“Họ gắn mác phù thủy cho bà ấy rồi sát hại. Những kẻ tấn công đeo mặt nạ đã bắt nạn nhân rồi hành hình một cách man rợ” - một cảnh sát cho biết. Cảnh sát đã bắt giữ 7 nghi phạm, trong đó có 2 phụ nữ, liên quan đến vụ giết người nói trên. Trước đó, ngày 12-7, một nhóm dân làng Lahanda, huyện Keonjhar cáo buộc cặp vợ chồng Gura Munda, 40 tuổi và 4 đứa con của họ là phù thủy và dùng rìu sát hại dã man gia đình này.

Dựa theo các manh mối, sau 2 ngày gây ra vụ thảm án, ngày 15-7, cảnh sát đã bắt giữ được 9 nghi phạm. Cảnh sát Kavita Jalan cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu một trong số nhóm người này có thể là họ hàng thân thích của các nạn nhân. Theo nguồn tin của một số người trong làng Lahanda, nguyên nhân gây ra vụ thảm sát này là do các hung thủ tin một vài thành viên trong gia đình Gura Munda đã sử dụng phép thuật để gây ra một loạt bệnh mà trẻ em trong làng thường gặp. Trong số đám trẻ bị bệnh ấy có con của một trong nhóm hung thủ. 

Sau một cuộc họp kín, một nhóm dân làng cáo buộc gia đình Gura Munda đã sử dụng phép thuật để gây ra một loạt bệnh mà trẻ em trong làng, cho nên gia đình này cần sớm được “tiêu diệt” để không còn tiếp tục gây họa cho dân làng. “Một số người dân đã mở cuộc họp và cáo buộc gia đình ông Munda hành nghề phù thủy. Người dân ở đây chủ yếu không biết chữ và gần như họ chỉ tin vào thần thánh và tà thuật”, cảnh sát Ajay Pratap Swain, người đang thụ lý vụ án này nói trên tờ The Indian Express. 

"Thảm án vì nạn săn phù thủy" ảnh 1

Còn mê tín dị đoan tội ác sẽ tiếp diễn

Theo Cục Thống kê Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, ước tính đã có 160 vụ săn thầy mo trong năm 2013. Riêng ở bang Assam, cảnh sát địa phương cho biết, gần 90 người, chủ yếu là phụ nữ, đã bị chặt đầu, thiêu sống, hoặc bị đâm chết sau khi họ bị cáo buộc là phù thủy trong vòng 6 năm qua. Hiện nay, dù không có thống kê chính thức về những trường hợp bị chặt đầu, thiêu sống hoặc đâm tới chết bởi những cáo buộc mang tính dị đoan, nhưng cảnh sát cho biết các vụ “săn phù thủy” thường xảy ra ở vùng núi cao hẻo lánh Ấn Độ.

Được biết, dân tộc thiểu số ở Ấn Độ chiếm 8% dân số trong tổng 1,2 tỷ người tại đây. Người dân ở những vùng hẻo lánh này thường ít học, trình độ dân trí thấp, nên rất e sợ những thầy mo hoặc thầy phù thủy sử dụng tà thuật trù ểm họ, đặc biệt họ tin rằng những người thuộc bộ lạc hẻo lánh hay có thuật này. Niềm tin vào ma thuật đã hằn sâu và trước bất cứ điều bất hạnh nào, như chết chóc hay thu hoạch kém, phải có ai đó gánh trách nhiệm. Những lời tố cáo không căn cứ như thế hầu như được tin ngay không cần kiểm chứng.

Các vụ “săn phù thủy” thường diễn ra sau khi một thành viên trong làng mắc bệnh hay qua đời. “Những nguyên nhân tự nhiên giải thích cho cái chết và bệnh tật không được chấp nhận. Thế nên bất cứ khi nào có người chết trong làng sẽ có người bị buộc tội” - mục sư Jack Urame, một nhà nghiên cứu của Viện Melanesian phân tích. Những nạn nhân trong diện tình nghi là thầy mo đều bị hành quyết một cách dã man theo lệ làng, dù luật hiện hành Ấn Độ nghiêm cấm điều này.

Trong khi đó, những “pháp quan” hay “thầy trừ phù thủy” hầu như đều thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Còn các nạn nhân, đôi khi vì xấu hổ và thiếu hiểu biết, họ không tìm đến sự trợ giúp pháp lý (hoặc có tìm đến cũng rất khó được “giải oan” hay được bảo vệ), để cuối cùng họ trở thành nạn nhân của những hình thức tra tấn dã man: chặt đầu, ném đá, treo cổ, thiêu sống hoặc đóng đinh vào đầu, dìm chết dưới sông hay chôn sống... 

Các nhóm nhân quyền cũng lên án mạnh mẽ thực trạng chỉ vài người liên quan đến các vụ giết hại “phù thủy” bị khởi tố, khiến không ít người sống ở vùng nông thôn hẻo lánh Ấn Độ nơm nớp lo lắng. “Tôi chẳng biết phải đi đâu. Một ngày nào đó, tôi có thể bị tấn công vì bị quy là phù thủy” - một cư dân của làng Lahanda tỏ ra cam chịu.