- Thái Lan tính bỏ AFF Cup 2020, ưu tiên vòng loại World Cup
- Cầu thủ Thái Lan cầu cứu Chính phủ viện trợ 3,5 triệu đồng/người/tháng
- LĐBĐ Thái Lan xử sao khi có CLB đòi huỷ kết quả mùa giải 2020?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới Thai-League, giới quản lý bóng đá Thái Lan đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là chuyển dịch khung thời gian tổ chức tháng 2 tới tháng 10, sang tháng 9 tới tháng 5 năm sau, trùng với lịch thi đấu của các giải châu Âu, bao gồm Ngoại hạng Anh - giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới.
Thai-League hướng tới "chuẩn" châu Âu
Khi nêu đề xuất được ví như "bước ngoặt lịch sử" này, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot chỉ ra hai ưu điểm quan trọng có lợi cho nền bóng đá.
Thai-League đã xuất khẩu được nhiều cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong ảnh: Tiền vệ Chanathip (phải) có giá chuyển nhượng 2,4 triệu USD, cao nhất CLB Sapporo đang chơi giải VĐQG Nhật Bản
Thứ nhất, khung thời gian mới giúp Thai-League tránh mùa mưa nhiệt đới, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức, di chuyển của các đội bóng, khán giả; giảm chấn thương, chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ; cải thiện chất lượng phát sóng, tăng lợi nhuận bản quyền truyền hình...
Thứ hai, thị trường giao dịch bóng đá phù hợp với các quốc gia châu Âu. Điều này làm tăng cơ hội cho CLB đàm phán để thu hút cầu thủ, HLV chất lượng theo hợp đồng quốc tế. Chất lượng chuyên môn và sức hút của Thai-League sẽ tăng khi xuất hiện ngày càng nhiều những ngoại binh chất lượng từ châu Âu. Ngược lại, cầu thủ Thái Lan có thêm cơ hội thi đấu trời Âu, sau những thành công bước đầu ở thị trường chuyển nhượng châu Á.
Những mặt lợi trên, có lẽ không riêng Thái Lan mà các nền bóng đá khu vực đều có thể nhìn ra, thế nhưng để áp dụng được hay không thì không phải giải đấu nào cũng sẵn sàng.
Thai-League từ lâu đã chú trọng phát triển như một ngành "công nghiệp không khói" với việc xây dựng hệ thống giải từ Thai-League 1 đến Thai-League 4, phát triển các CLB theo mô hình chuyên nghiệp với sự hậu thuẫn của những ông chủ giàu có.
Kết quả là mỗi mùa giải Thai-League thu về hàng chục triệu USD tiền phát hành vé, đồ lưu niệm; hợp đồng bản quyền truyền hình không dưới 400 triệu USD trong vòng 8 năm; cùng rất nhiều các hợp đồng thương mại giá trị khác ở cấp CLB - điều mà các giải đấu khu vực Đông Nam Á, trong đó có V-League thèm muốn.
Theo tiết lộ của Phó giám đốc điều hành Thai-League Benjamin Tan, quyết định chuyển khung thời gian thi đấu dập khuôn theo giải Ngoại hạng Anh không cần lấy phiếu ý kiến các CLB mà là chủ trương từ Bộ Du lịch thể thao Thái Lan, tới FAT và Công ty Thai-League. Điều đó cho thấy đây là chủ trương mang tính thông suốt, một định hướng thay đổi mang tầm quốc gia, và như lời Chủ tịch FAT là "bước ngoặt lịch sử để bóng đá Thái Lan phát triển hơn".
V-League muốn theo cũng khó
Thai-League đang chuyển mình, học theo các giải đấu tiên tiến thế giới. Vậy V-League thì sao?
Dù thành tích cấp đội tuyển quốc gia có dấu hiệu chững lại và lép vế so với Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, song xét về giải vô địch quốc gia, Thái Lan vẫn là số 1 Đông Nam Á với một nền tảng vững chắc được xây dựng, củng cố trong thời gian dài.
Từ tiềm lực tài chính, mức độ chuyên nghiệp đến hiệu quả trong kinh doanh bóng đá, các CLB V-League vẫn còn kém xa Thai-League.
Sân của CLB Buriram United đạt tiêu chuẩn Ngoại hạng Anh (ảnh trên) và sân Vinh trong trận SLNA tiếp Bình Dương ở giải V-League 2020
Một so sánh trực quan nhất, đó là chất lượng mặt sân, trong khi Thai-League có những sân đấu đạt tiêu chuẩn tương tự giải Ngoại hạng Anh như sân nhà của CLB Buriram Untied, thì ở V-League, cầu thủ hàng ngày vẫn ngay ngáy nỗi lo chấn thương do phải thi đấu trên sân những "mặt ruộng".
Hay một so sánh tiểu tiết như... nhà vệ sinh, khi khán giả Thai-League đã được trải nghiệm những nhà vệ sinh lắp hẳn điều hoà thì tại V-League, ở một số sân bóng, nhà vệ sinh luôn là nỗi ám ảnh với khán giả, dù họ bỏ tiền để vào sân xem bóng đá.
Theo bảng xếp hạng các giải VĐQG châu Á mới nhất, Thai-League leo lên vị trí thứ 7. Với thứ hạng này, họ được tới 4 suất tham dự AFC Champions League 2021 (gồm 2 suất vào thẳng vòng bảng, 1 suất vòng play-off, 1 suất vòng sơ loại), trong khi V-League (xếp hạng 15 châu Á) chỉ có một đại diện được vào vòng bảng khi giải đấu tăng từ 32 lên 40 đội từ năm sau.
Sự chênh lệch về thứ hạng, số suất dự AFC Champions League phản ánh khoảng cách giữa Thai-League và V-League.