Thách thức trước cột mốc lịch sử

ANTĐ - Ngày 24-10-2015 đánh dấu 70 năm thành lập của Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Nhiều hoạt động nổi bật đã diễn ra tại trụ sở LHQ ở thành phố New York của Mỹ và nhiều thành phố trên thế giới để đánh dấu sự kiện quan trọng này.
Thách thức trước cột mốc lịch sử ảnh 1

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ tại San Fransisco - Mỹ

Kể từ khi 50 nước, đại diện cho thế giới, vừa bước ra từ Chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc, ký vào công ước San Fransisco, tuyên bố thành lập một tổ chức quốc tế với mục tiêu hàng đầu là phấn đấu cho khát vọng cháy bỏng của nhân loại lúc bấy giờ là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới, LHQ đã trở thành diễn đàn quốc tế lớn nhất, trung tâm chính trị đặc biệt mang tính toàn cầu. 

Ngày nay nhìn lại, khó có thể hình dung thế giới sẽ ra sao nếu như không có sự tồn tại của LHQ. Và cũng khó có cuốn sử nào, dù viết công phu đến đâu, có thể bao quát hết đóng góp của LHQ với sự phát triển của nhân loại. Dù không phải lúc nào cũng thành công nhưng LHQ đã trở thành một phần không thể thiếu giúp tạo nên thế giới văn minh ngày nay.

Trong 70 năm qua, LHQ luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và xây dựng một thế giới phát triển, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân loại. Với nỗ lực không mệt mỏi của LHQ, thế giới đã thành công trong việc không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong 70 năm qua. 

Một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của LHQ. LHQ cũng góp phần mang lại tự do cho hàng triệu người, loại bỏ chủ nghĩa thực dân, đánh bại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, bảo vệ nhân quyền cho mọi người dân, bất chấp chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch và giới tính. 

Tuy nhiên, thế giới đang có nhiều đổi thay, đặt ra những thách thức ngày càng phức tạp mà LHQ phải đối mặt. Nghịch lý là giữa thế giới văn minh ngày nay, trong khi cả tỷ người còn sống dưới mức nghèo khổ, thì tài sản của số người giàu nhất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lên. Tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, nguy cơ lan truyền của các căn bệnh truyền nhiễm, sự thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường... vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Ngày càng có nhiều người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, áp bức và nỗi sợ hãi. 

Cải cách cơ bản và toàn diện LHQ đã trở thành nhu cầu cấp thiết để tổ chức này bắt kịp thách thức của thế giới đã đổi thay. Điều quan trọng trước tiên là phải khẳng định lại vai trò không thể thiếu của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng và mang tính toàn cầu. Thực tế là LHQ có 6 cơ quan chính thì chỉ duy nhất Hội đồng Bảo an  LHQ có thực quyền và nghị quyết của cơ quan này có tính cưỡng chế, còn vai trò của các cơ quan khác, kể cả của Đại hội đồng LHQ, cũng chỉ có tính khuyến nghị. Chính vì thế, các quyết định của LHQ nhiều khi không được thực hiện hay thực hiện không hiệu quả. 

Thêm vào đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa đơn phương, đe dọa lấn lướt vai trò của LHQ. Tư duy này hết sức nguy hiểm bởi thực tế cho thấy, loài người chỉ có thể đối phó được với những thách thức đang đặt ra bằng hành động tập thể của tất cả các nước thành viên, không một quốc gia nào, kể cả những nước hùng mạnh nhất có thể đơn phương giải quyết các vấn đề này. 

 Muốn “cứu vớt những thế hệ kế tiếp khỏi tai họa chiến tranh” như tuyên bố của Đại hội đồng LHQ nhân sự kiện 70 năm thành lập tổ chức này, thế giới không có cách nào khác là phải đoàn kết tất cả các quốc gia thành viên, bất chấp những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo.