Thách thức chưa từng có với phóng viên chiến trường đưa tin từ Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ít nhất 14 nhà báo, chủ yếu là người Palestine, đã thiệt mạng trong 10 ngày qua quanh xung đột Israel - Hamas. Ông Sherif Mansour thuộc Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cho biết, đây là một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất đối với các nhà báo đưa tin về xung đột kể từ năm 1992.
Lễ tang đầy xúc động của nhà báo Reuters Issam Abdallah tại quê nhà Al Khiyam, Lebanon hôm 14-10-2023

Lễ tang đầy xúc động của nhà báo Reuters Issam Abdallah tại quê nhà Al Khiyam, Lebanon hôm 14-10-2023

Thách thức chưa từng có

Trong những năm qua, Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) có cộng tác viên trực tiếp tại Gaza là Anas Baba. Kể từ khi xảy ra xung đột Israel - Hamas từ ngày 7-10-2023, nhà báo người Palestine này đã phỏng vấn những người dân đang tìm nơi trú ẩn tránh các cuộc không kích của Israel tại bệnh viện chính của thành phố Gaza, nơi hành lang chật kín những người bị thương. Sau đó, ông gặp được nhân chứng kể về những đứa trẻ đi bộ hàng chục kilomet để sơ tán khỏi thành phố. “Việc đưa tin này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cả may mắn”, Aya Batrawy, phóng viên của NPR ở Jerusalem nói.

Quả thực, Anas Baba đang phải đối mặt với những thách thức mà một số nhà báo ở Gaza mô tả là điều tồi tệ nhất trong ký ức của họ. “Tôi buộc phải nghỉ việc để đưa gia đình sơ tán nhưng những khu vực lân cận khác cũng nguy hiểm không kém… Tôi sẽ giấu họ ở đâu đây? Có nơi nào an toàn ở Gaza không?”, anh nói với NPR qua đường dây điện thoại khó nghe vào tuần trước.

Luồng thông tin trong các vùng chiến sự thường bị gián đoạn và không thể đoán trước, nhưng xét đến quy mô của cuộc tấn công của Israel - điều mà các chuyên gia của Liên hợp quốc đã cảnh báo là “hình phạt tập thể” vi phạm luật pháp quốc tế - các nhà báo đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc thu thập và chia sẻ thông tin hiện trường.

Trong khi các hãng truyền thông Mỹ cử những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng đến nơi tương đối an toàn của Israel thì các nhà báo trong Dải Gaza rộng 362km2 đang phải vật lộn với một chiến dịch ném bom quy mô lớn, mất điện, nước, lương thực, đường dây liên lạc cũng như gánh nặng tâm lý. Đưa tin tại Bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza, phóng viên người Ảrập của BBC Adnan Elbursh và nhóm của ông đã phát hiện ra hàng xóm, người thân và bạn bè trong số những người bị thương và thiệt mạng. “Đây là bệnh viện gần nhà tôi. Bên trong là bạn bè, hàng xóm, là cộng đồng của tôi. Hôm nay là một trong những ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp. Tôi đã nhìn thấy những điều không bao giờ có thể hình dung được”, Elbursh nói trên sóng truyền hình.

Lực lượng tuyến đầu nhưng không được bảo vệ

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10 nhằm vào Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, hành động trả đũa của Israel cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.700 người ở Gaza. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), 11 nhà báo Palestine và 3 nhà báo Israel đã thiệt mạng. Hôm 13-10, cuộc pháo kích của Israel gần biên giới Lebanon đã khiến Issam Abdallah, phóng viên Reuters có trụ sở tại Beirut tử vong và 6 nhà báo khác bị thương. “Các nhà báo là dân thường nhưng làm công việc quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Họ không phải mục tiêu của các bên tham chiến”, ông Sherif Mansour, điều phối viên chương trình Trung Đông và Bắc Phi của CPJ tuyên bố.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Mansour cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Israel tấn công bất cứ mục tiêu nào, kể cả giới truyền thông. Vào tháng 5-2021, Israel đã ném bom một tòa nhà ở Gaza, nơi đặt văn phòng của Hãng tin AP và Al Jazeera. Đến tháng 5-2022, nhà báo người Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh bị bắn vào đầu khi đang đưa tin ở Bờ Tây. Quân đội Israel ban đầu tuyên bố rằng Abu Akleh đã bị sát hại trong cuộc đọ súng với các chiến binh Palestine, nhưng nhiều cuộc điều tra độc lập, bao gồm cả The Washington Post, kết luận rằng lực lượng Israel có thể phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.

Ông Mansour cho rằng, những hành động đó đã tăng thêm rủi ro cho các nhà báo khi phải thực hiện công việc đưa tin về xung đột ở Gaza và Bờ Tây. “Tính chất công việc đòi hỏi họ phải ở tuyến đầu, nhưng lại thường không có trang thiết bị tốt, không có bất kỳ biện pháp đảm bảo an toàn nào hoặc phòng tin tức chuyên dụng đằng sau họ”, ông Mansour nhấn mạnh.

Nỗ lực và tận tụy với nghề

Một số nhà báo đã chia sẻ thông tin về tình hình chiến sự trên mạng xã hội bằng cả tiếng Anh và tiếng Ảrập, với mục đích tiếp cận với thế giới bên ngoài. Nhà báo trẻ Plestia Alaqad người Palestine là một trong số đó. Với hơn nửa triệu người theo dõi trên Instagram, tuần trước, Alaqad đã chia sẻ nhiều thông tin cập nhật mỗi ngày về các cuộc sơ tán, tình trạng mất điện và trẻ em bị chia tách khỏi gia đình trong khung cảnh hỗn loạn. Hôm 13-6, cô đã đăng một bức ảnh chụp chiếc mũ bảo hiểm màu xanh nhạt của mình, có dán nhãn “Báo chí” và viết rằng cô ấy không thể sơ tán khỏi thành phố Gaza vì không có phương tiện đi lại cũng như sức lực để đi bộ. Cô ấy cũng không thể sử dụng dịch vụ di động và phải dựa vào mạng Internet của bệnh viện. “Tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn… về điện, nước, lương thực, y tế. Tôi đang cố gắng hết sức để đứng vững và theo dõi những gì đang xảy ra”, nữ nhà báo cho biết.

Các nhà báo Palestine cũng phải đối mặt với một trở ngại khác: những thách thức về uy tín của họ.

Thanassis Cambanis, một cựu nhà báo ở Trung Đông và là Giám đốc tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Century International, cho biết: “Có một nỗ lực có hệ thống nhằm làm mất uy tín của nhà báo Palestine độc lập. Đây là một yếu tố nguy hiểm của cuộc chiến thông tin”. Kết quả là các nhà báo Palestine phải phản đối những cáo buộc rằng tường thuật của họ về tình hình bi đát ở Gaza là thiên vị hoặc thậm chí là bịa đặt.

Ngay cả ở Gaza, nhiều người cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tin tức về những gì đang xảy ra xung quanh. Nihal al-Alami, phiên dịch viên của Trung tâm Nhân quyền Palestine, đã rời khỏi thành phố Gaza cùng gia đình dọc theo tuyến đường sơ tán hôm 13-10 để đến ở nhờ nhà một người lạ ở phía Nam Gaza. Cậu con trai 9 tuổi của Nihal al-Alami đã được ghép tủy xương vào năm ngoái, cần được chăm sóc theo dõi. Al-Alami cho biết, cô có một chiếc đài nhỏ chạy bằng pin để theo dõi tin tức đồng thời bạn bè và người thân sống ở nước ngoài cập nhật cho cô những tin tức quan trọng khi cô có thể sạc điện thoại và truy cập Internet. Nhưng Al-Alami không biết điều đó sẽ kéo dài bao lâu.

Phóng viên Aya Batrawy của NPR cũng cho hay, đường dây liên lạc với người dân Gaza ngày càng kém tin cậy. Batrawy cho biết, kể từ khi bắt đầu xung đột, cô đã trao đổi ghi âm giọng nói với người dân ở Gaza, trong đó có một sinh viên y khoa ở thành phố Gaza tên là Tasnim Ahad. Nhà của Ahad bị đánh bom, gia đình họ phải di dời nhưng cố gắng sơ tán đến mấy, họ không thể thoát khỏi Gaza. “Nữ sinh viên ấy đã trải qua rất nhiều biến cố. Cô ấy nói với tôi rằng việc gửi ghi chú bằng giọng nói giống như được ai đó quan tâm và lắng nghe vậy”.

Tổng Biên tập Reuters kêu gọi điều tra cái chết của nhà báo Issam Abdallah

Nhà báo của Reuters Issam Abdallah thiệt mạng khi đang quay phim vụ cháy xuyên biên giới giữa Israel và Lebanon

Nhà báo của Reuters Issam Abdallah thiệt mạng khi đang quay phim vụ cháy xuyên biên giới giữa Israel và Lebanon

Ông Alessandra Galloni - Tổng Biên tập Hãng tin Reuters kêu gọi điều tra cái chết của Issam Abdallah, phóng viên của Reuters đã thiệt mạng hôm 13-10 khi bị trúng một quả đạn pháo có nguồn gốc từ Israel khi đang quay phim vụ cháy xuyên biên giới giữa Israel và Lebanon. “Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình với chính quyền Israel, những người cho biết họ đang mở một cuộc điều tra nhanh chóng, kỹ lưỡng và minh bạch về những gì đã xảy ra. Minh bạch, ý tôi là một cuộc điều tra với bằng chứng rõ ràng và lời giải thích”, ông Galloni nói trong một video đăng trên mạng xã hội X.

Tổng Biên tập Reuters cũng kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột này tôn trọng và phối hợp với tất cả các phương tiện truyền thông để đảm bảo an toàn cho các nhà báo đưa tin trong khu vực. “Việc đưa tin về các sự kiện thế giới một cách chính xác, liêm chính, độc lập và không thiên vị là điều cốt lõi của chúng tôi. Và điều tối quan trọng là các nhà báo của chúng tôi có thể làm việc đó một cách an toàn”, ông Alessandra Galloni nói.

Theo Reuters, Abdallah, 37 tuổi, đã thiệt mạng khi đang cung cấp tín hiệu video trực tiếp cho các đài truyền hình. Anh đã được an táng tại quê hương Khiyam ở miền Nam Lebanon hôm 14-10.