- Sau Pháp, Telegram bị Hàn Quốc điều tra
- Đơn vị điều tra tội phạm mạng đứng sau vụ bắt giữ ông chủ Telegram
Ông Ramli Mohamed Yoosuf - Giám đốc Cục Điều tra tội phạm thương mại Malaysia cho biết, ứng dụng Telegram là 1 trong 16 phương tiện truyền thông chính bị lợi dụng trong các vụ lừa đảo đầu tư, tiếp theo là Facebook và WhatsApp.
Phát biểu trước báo giới ngày 6-9, Giám đốc Cục Điều tra tội phạm thương mại Malaysia cho biết, từ tháng 1 đến 8-2024 đã có 1.346 vụ lừa đảo đầu tư, gây tổn thất lên tới 29,96 triệu ringgit (khoảng 6,91 triệu USD) liên quan đến việc sử dụng Telegram. Các phương tiện khác cũng thường được sử dụng cho các vụ lừa đảo này bao gồm Facebook và WhatsApp, mỗi phương tiện ghi nhận lần lượt 948 và 873 vụ, tiếp theo là Instagram (146 vụ), tương tác trực tiếp (96 vụ), ứng dụng hẹn hò xã hội (61 vụ) và 393 vụ liên quan đến các nền tảng khác như WeChat và các trang web.
Theo số liệu thống kê chính thức, phụ nữ chiếm đa số trong các nạn nhân với 2.124 người báo cáo thiệt hại tổng cộng là 315,3 triệu ringgit, trong khi 1.740 nạn nhân nam ghi nhận thiệt hại là 170 triệu ringgit. Tổng thiệt hại được ghi nhận từ các vụ lừa đảo đầu tư trực tuyến là đáng báo động với 483,95 triệu ringgit được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 8-2024.
Ông Ramli Mohamed Yoosuf cũng cho biết, từ năm 2022 đến tháng 8-2024 cảnh sát đã ghi nhận 8.082 vụ lừa đảo qua điện thoại với số tiền thiệt hại là 434,2 triệu ringgit, trong đó việc mạo danh cảnh sát chiếm số lượng cao nhất là 2.411 vụ, tiếp theo là mạo danh cán bộ Cục Thuế vụ (1.419 vụ), người tổ chức rút thăm may mắn (1.038 vụ), nhân viên công ty giao hàng (540 vụ) và nhân viên ngân hàng (539 vụ). Đáng lưu ý, những tổ chức này liên tục thay đổi chiến thuật tùy theo tình hình và diễn biến hiện tại. Chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8-2024 cơ quan điều tra đã ghi nhận 125 vụ lừa đảo qua điện thoại liên quan đến nghi phạm đóng giả làm nhân viên thương mại điện tử với số tiền thiệt hại lên tới 3,92 triệu ringgit.