Tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định chuyến thăm Ấn Độ thể hiện sự coi trọng và mong muốn của Việt Nam-Ấn Độ trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Toà nhà Nghị viện và có cuộc gặp nhanh với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Toà nhà Nghị viện và có cuộc gặp nhanh với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla

Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Ấn Độ ngày 16-12 nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, chuyến thăm lần này đến Ấn Độ có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, nối lại việc duy trì hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước sau các giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, đồng thời thể hiện sự coi trọng và mong muốn không chỉ của Việt Nam và mà còn của Ấn Độ trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.

Chuyến thăm nhằm tạo động lực mới cho quan hệ giữa hai nước, đồng thời là thời điểm để hai bên trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, đóng góp thiết thực vào công cuộc chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Chuyến thăm cũng là cơ hội để hai nước tìm hiểu rõ hơn tình hình, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của mỗi nước trong thời gian tới. Đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phá triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp và nuôi dưỡng để đơm hoa kết trái như ngày nay.

Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là một bước ngoặt nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, cũng như để tương xứng với bề dày phát triển và tầm vóc của quan hệ song phương. Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ và rất vui mừng khi Ấn Độ cũng ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình.

Trong 5 năm qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều trụ cột hợp tác. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ triển khai Chương trình hành động 2021-2023 nhằm đưa quan hệ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực cho chính phủ và nhân dân hai nước.

Mặc dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19 trong hai năm qua, hai bên đã duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp và đã thông qua Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân (tháng 12-2020).

Về hợp tác Quốc hội, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số; chia sẻ kinh nghiệm ban hành chính sách pháp luận để kịp thời hỗ trợ Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch.

Về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định quan hệ đầu tư hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai Chính phủ. Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực bạn có thế mạnh như công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ôtô, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và năng lượng tái tạo…

Thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá môi trường đầu tư của hai nước tới các tập đoàn, doanh nghiệp tiềm năng; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế số, công nghệ thông tin, ứng dụng kỹ thuật mới nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

TTXVN

TTXVN