Tăng trưởng khả quan

(ANTĐ) - Những tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ với các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, tiện ích. Bên cạnh  việc phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống, nhiều kênh phân phối mới như liên kết bảo hiểm-ngân hàng, bán bảo hiểm trực tuyến… đang được các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực triển khai. 

Thị trường bảo hiểm nhân thọ:

Tăng trưởng khả quan

(ANTĐ) - Những tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ với các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, tiện ích. Bên cạnh  việc phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống, nhiều kênh phân phối mới như liên kết bảo hiểm-ngân hàng, bán bảo hiểm trực tuyến… đang được các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực triển khai. 

Ảnh minh họa: Tư vấn sản phẩm mới dành cho khách hàng

Ảnh minh họa: Tư vấn sản phẩm mới dành cho khách hàng

Thêm nhiều kênh phân phối

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng trưởng khoảng 18-19%.

Tính đến hết tháng 6-2010, doanh thu phí bảo hiểm mới của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam đạt trên 120 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ năm 2009, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng bình quân của thị trường. Công ty này cũng mới phát hành hợp đồng cho một khách hàng với số tiền bảo hiểm lên đến 15 tỷ đồng - mức kỷ lục về mệnh giá hợp đồng cao nhất từ trước đến nay của Dai-ichi Life Việt Nam.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng doanh thu của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) đạt 346 tỷ đồng (tăng 62%), lợi nhuận trước thuế hơn 36 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện, nhiều kênh phân phối mới như liên kết bảo hiểm-ngân hàng (Bancassurance), bán sản phẩm online… cũng đang được các công ty bảo hiểm tích cực triển khai.

Ông Phạm Quang Tùng - Tổng giám đốc BIC cho biết, công ty đang cung cấp gần 10 sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống BIDV và các ngân hàng liên kết khác như Seabank, Bắc Á, Phương Đông, Techcombank… Tính đến 30-6, doanh thu từ kênh liên kết bảo hiểm - ngân hàng của BIC đạt gần 30 tỷ đồng. Đây cũng là công ty bảo hiểm đầu tiên phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến từ tháng 5-2010. Các kênh đang được BIC tập trung xây dựng gồm mua-bán bảo hiểm qua ATM, qua tin nhắn điện thoại di động, qua internet, qua tổng đài.

Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cũng cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm đạt gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu khai thác mới đạt gần 330 tỷ đồng, doanh thu đầu tư tài chính đạt gần 930 tỷ đồng. Ngoài các kênh phân phối sản phẩm truyền thống, Bảo Việt Nhân thọ còn đẩy mạnh thêm kênh Bancassurance qua 3 ngân hàng.

Củng cố niềm tin khách hàng

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định, thị trường 6 tháng đầu năm có tín hiệu tăng trưởng tốt. Theo ước tính, số lượng sản phẩm khai thác mới tăng 40% bù đắp được những hợp đồng bảo hiểm đáo hạn khoảng 20% đảm bảo tăng trưởng khoảng 20%. Tuy nhiên các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, trình độ nhận thức và sự phát triển của thị trường. "Những sản phẩm mới sẽ là yếu tố quyết định tăng trưởng đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ", ông Lộc nhấn mạnh.

Theo nhận định của đại diện Công ty Bảo hiểm AIA, do số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép hoạt động ngày một gia tăng, trong đó có sự xuất hiện các công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO nên sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Mặt khác, sự thiếu chuyên nghiệp của hệ thống đại lý cũng như đội ngũ nhân viên cũng là nguyên nhân khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ khó khăn hơn trong việc mở rộng thị trường. Những hạn chế về công nghệ, các công ty môi giới cạnh tranh lẫn nhau, tự ý bổ sung điều kiện, điều khoản bảo hiểm, hạ phí bảo hiểm gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường tính minh bạch của sản phẩm nhằm củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm, cần tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng. Cùng với đó là duy trì và nghiên cứu phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới qua ngân hàng, bưu điện... nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.                  

Thái Nguyên