Tăng cường chống vi phạm trong lĩnh vực thuế

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, tổng thu thuế cho ngân sách Nhà nước đều đạt năm sau cao hơn năm trước, vượt dự toán Quốc hội giao nên không những đảm bảo chi theo dự toán được giao mà còn tăng bổ sung cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhờ đó đất nước có điều kiện giải quyết các vấn đề rất cấp bách về đầu tư, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần giúp nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh.

Tăng cường chống vi phạm trong lĩnh vực thuế

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, tổng thu thuế cho ngân sách Nhà nước đều đạt năm sau cao hơn năm trước, vượt dự toán Quốc hội giao nên không những đảm bảo chi theo dự toán được giao mà còn tăng bổ sung cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhờ đó đất nước có điều kiện giải quyết các vấn đề rất cấp bách về đầu tư, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần giúp nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh.

Nộp thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp, cá nhân
Nộp thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp, cá nhân

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất thu thuế còn khá phổ biến ở nhiều khoản thu sắc thuế tại các địa phương trên toàn quốc. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thu ngân sách Nhà nước nhìn chung còn chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế, tình trạng nợ đọng thuế tuy đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn lớn, tình hình trốn thuế diễn ra phổ biến ở hầu hết các đối tượng nộp thuế với các mức độ khác nhau, nhất là đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất với khoảng 30.000 đơn vị và hàng trăm nghìn cá nhân bị phát hiện mỗi năm, truy thu ngân sách Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó nợ đọng thuế khoảng gần 4.000 tỷ đồng, ẩn lậu hơn 2.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, trốn lậu thuế và tránh thuế càng nhiều thì gây thất thu càng lớn cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay số thất thu thuế so với tổng thu thuế là rất lớn, bên cạnh số thất thu tiềm năng do ngành thuế chưa bao quát hết các nguồn thu thì số thu thực tế do bản thân các đối tượng cố tình trốn lậu thuế là không nhỏ. Thất thu thuế càng nhiều, bội chi ngân sách càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện các chức năng điều hành kinh tế, xã hội của Nhà nước như thay đổi kế hoạch phân phối lại thu nhập từ thuế, giảm đầu tư phát triển, vay nợ nước ngoài để bù đắp… và nhiều hậu quả kinh tế xã hội khác.

Trốn lậu thuế, tránh thuế diễn ra ở các mức độ khác nhau, ở mọi loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh văn phòng nước ngoài. Cùng ở trình độ sản xuất kinh doanh như nhau, doanh nghiệp trốn được thuế thì thu nhập cao, đời sống người lao động cao, công sở khang trang… doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không trốn thuế thì ngược lại, tạo nên sự bất công bằng, tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển, không kích thích sản xuất kinh doanh.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trốn thuế trong một thời gian dài, trốn nhiều lần, trốn nhiều sắc thuế… thì chủ đơn vị, doanh nghiệp thường có sự móc ngoặc với cán bộ thuế, cán bộ hải quan, quản lý thị trường. Không ít trường hợp cán bộ trong các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý doanh nghiệp lại làm tư vấn cho doanh nghiệp luồn lách trốn thuế. Thậm chí ở một số địa phương còn có hiện tượng cán bộ thuế tính toán tiền thuế phải nộp hàng tháng, hàng quý cho doanh nghiệp ở mức thấp nhất để sau đó cán bộ thuế cũng được nhận một số tiền “bồi dưỡng” đáng kể như kiểu mãi lộ.

Trong những năm qua, lực lượng công an các cấp đã tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý và truy tố hình sự nhiều vụ án trốn thuế của hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị, truy thu cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, trách nhiệm pháp luật chưa cao, nhiều người chưa chấp hành đúng luật thuế và coi trốn thuế là việc bình thường, thậm chí có những hành vi phản ứng lại việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Một số văn bản pháp luật về thuế chưa chặt chẽ hoặc thiếu rõ ràng, đôi khi điều luật còn khó hiểu, thậm chí còn thiếu công bằng giữa các đối tượng nộp thuế… do đó đã bị người nộp thuế lợi dụng để trốn thuế. Những hình phạt trong luật đối với hành vi trốn thuế chưa đủ nặng, những vụ việc trốn thuế ít bị xử phạt ở mức tối đa, kể cả xử lý hành chính cũng như hình sự thiếu tính răn đe, ngăn chặn, hơn nữa việc điều tra, xét xử vi phạm về thuế còn chậm, số lượng ít.

Sự phối hợp giữa các ngành chức năng quản lý nhà nước như Thuế, Hải quan với các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như trong phạm vi các cơ quan bảo vệ pháp luật với nhau về phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trốn thuế đôi lúc còn chưa đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế, hải quan nhằm phát hiện, ngăn chặn vi phạm, tội phạm còn chậm, sự vụ, tồn tại nhiều vấn đề thậm chí có không ít cán bộ tiêu cực, tiếp tay hoặc tham gia tư vấn cho doanh nghiệp trốn thuế, chiếm đoạt tiền Nhà nước.

Trong thời gian tới, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các sắc thuế ở Việt Nam sẽ tiếp tục được cải cách, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các hiệp định đã ký kết. Các loại hình tổ chức kinh doanh và các phương thức kinh doanh tiếp tục được mở rộng, đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế cũng được mở rộng. Do vậy, dự báo vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế sẽ diễn biến phức tạp, có sự liên kết, móc nối giữa các đối tượng trong nước với nước ngoài, hình thành tổ chức tội phạm ở mức độ cao, vì vậy tính chất, hậu quả của tội phạm sẽ ngày càng nghiêm trọng, đồng thời gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện điều tra của các cơ quan chức năng.

Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật thuế và chính sách thuế, có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm trốn thuế, chủ động phát hiện vi phạm, tội phạm trốn thuế, đánh trúng các vụ trốn thuế, thu hồi tiền cho ngân sách, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội nhằm bảo vệ kỷ cương pháp luật, tạo môi trường lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Hoàng Đoàn