Tai tiếng của con cái nhà giàu Ukraine

ANTĐ - Tai nạn xe hơi gây chết người không phải là chuyện hiếm ở Ukraine, tuy nhiên, dư luận gần đây lại đặc biệt chú ý đến vụ một thanh niên 22 tuổi cán chết một phụ nữ trên đường phố ở Thủ đô Kiev. Đơn giản vì vụ việc liên quan đến tầng lớp con cái nhà giàu được ví như “đẳng cấp tinh hoa” ở Ukraine. 

Tai tiếng của con cái nhà giàu Ukraine ảnh 1Stanislav Tolstosheyev và hiện trường vụ tai nạn hôm 9-1

Đâm chết người vì... bệnh tim

“Nhân vật chính” gây ra tai nạn, Stanislav Tolstosheyev, 22 tuổi, con trai của một trùm tài phiệt địa phương cho biết, anh ta đã bị ngất và không thể kiểm soát chiếc Mercedes SUV của mình. Lý do của vụ việc trên là vì sức khỏe không phải do ma túy hoặc rượu, tuy nhiên, Stanislav Tolstosheyev khó lấy được sự thông cảm của dư luận bởi đó là vụ việc thứ hai anh này gây ra trong vòng 3 năm qua.

Trang Globalpost.com cho biết, vụ đầu tiên năm 2013, anh ta đã khiến một người bị thương và vụ tai nạn vẫn đang được điều tra. Lúc đầu, Tolstoshoyev được giữ lại bệnh viện, không phải ra tòa do bị bệnh tim mạn tính. Thực tế, một bức ảnh được chia sẻ gần đây trên mạng xã hội cho thấy, sức khỏe của thanh niên này không tệ đến như vậy.

Nhưng ngay sau khi tòa án ra lệnh tạm giam Stanislav Tolstosheyev hôm 16-1, anh ta đã được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh ít ỏi - 5.600 USD. Các công tố viên cho rằng, đáng lẽ khoản tiền này có thể là hơn 40.000 USD nhưng vẫn có “khúc quanh” ở tòa án. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov nhận định, vụ việc liên quan đến Tolstoshoyev cho thấy hệ thống pháp luật rất cần “khởi động lại”.

Vụ việc khiến dư luận “dậy sóng” bởi đây là bằng chứng cho thấy con cái các quan chức cấp cao và doanh nhân giàu có Ukraine dù có vi phạm pháp luật cũng gần như “bình yên vô sự”. Không chỉ sống xa xỉ với mức chi tiêu gần như “không tưởng” đối với tầng lớp bình dân có mức lương trung bình 200 USD/tháng, những “cậu ấm, cô chiêu” ở Ukraine luôn  phá phách, ngang ngược, thậm chí thách thức pháp luật. Người Ukraine gọi thế hệ con cái nhà giàu là “mazhory”, nghĩa là “đẳng cấp tinh hoa”.

Hệ quả của giáo dục sai cách

Theo trang Kyivpost.com, hồi tháng 9-2015, Roman Landik, 41 tuổi, con trai Nghị sỹ Volodymyr Landik đã bị tòa án Luhansk tuyên án 3 năm tù vì tội danh gây mất trật tự công cộng, trong đó có 2 năm tù treo, tương đương với việc bị cáo được tại ngoại ngay tại tòa. Trước đó, ngày 4-7-2011, Landik đã tấn công người mẫu Maria Korshunova, 20 tuổi trong nhà hàng Bakkara ở Luhansk vì cô này không đáp ứng yêu cầu của hắn. Sau cuộc gặp với gã nhà giàu say rượu, Maria nhập viện với mũi bị gãy, xương sống bị chấn thương.

Video ghi lại cảnh lộn xộn trong nhà hàng hôm đó do camera giám sát ghi lại đã lan truyền trên Internet. Roman Landik lập tức bị điều tra nhưng hắn đã trốn sang Nga, đến tháng 7-2015 mới được dẫn độ về Ukraine để xét xử. Thực tế, Cảnh sát Luhansk thừa nhận, “quý tử” Roman Landik là kẻ chuyên gây rắc rối, hắn bị cáo buộc đánh người nhiều lần từ năm 2004, nhưng do sự can thiệp của người cha, lần nào hắn cũng thoát.

Còn theo tờ Ukrainianweek, nếu nhắc đến chiến tích của các “cậu ấm” phải kể đến Dmytro Rud, con trai của một công tố viên quận ở Dnipropetrovsk. Ngày 20-10-2010, anh ta lái chiếc Toyota Prado đâm chết 3 người rồi bỏ chạy. Nhanh chóng bị bắt lại nhưng ngày 13-7-2011, Dmytro Rud được thả sau khi đóng tiền bảo lãnh. Tương tự, Feliks Petrosian, con trai của một Ủy viên Hội đồng vùng Odesa hôm 13-1-2008 cũng đi một chiếc Toyota Prado gây tai nạn liên hoàn cho 11 xe, làm 1 lái xe tử nạn, một số người khác bị thương. Sau cuộc điều tra kéo dài, ngày 7-6-2010, vụ án khép lại khi các thẩm phán cho rằng Petrosian không vi phạm luật lệ giao thông.

Semen Hluzman, một bác sỹ tâm thần có tiếng của Ukraine cho rằng, hiện tượng “mazhory” là hệ quả của sự giáo dục sai cách. Phụ huynh những gia đình giàu có quá mềm mỏng đối với con cái. Trong một môi trường được bao bọc, trẻ rất dễ “lộng hành”. Nếu trẻ được phép nhục mạ hay đánh quản gia, nhân viên phục vụ trong nhà thì lớn lên, chúng sẽ có những hành vi hung hăng thiếu kiểm soát. Phát biểu trên Ukrainianweek, chuyên gia này phân tích: “Việc nuôi dạy trẻ ở tầng lớp thượng lưu của nước này khác hẳn với nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ, nơi mà kể cả trong gia đình tỷ phú, con cái học đại học cũng vẫn ở ký túc xá và tất nhiên sau đó tự mình kiếm sống nên chúng luôn tự lập và sống có trách nhiệm hơn”.