"Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải đầu tư"

ANTD.VN - PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.

Chờ đợi phát triển đột phá từ kinh tế tư nhân

Phát biểu tại diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” diễn ra ngày 15-3, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết: “Kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 30%. 

Dù được coi là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, thành phần này chỉ tăng thêm được… 0,8 điểm phần trăm tỷ phần trong GDP trong 6 năm qua”.

Theo ông Trần Đình Thiên, đóng góp GDP chủ yếu vẫn là thành phần kinh tế Nhà nước  (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng đây lại là 2 lực lượng “có vấn đề” nhất về năng lực. Thực lực của nền kinh tế cải thiện chậm, hiện tại rất yếu.

Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún, trong khi kinh tế Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí nhiều tài nguyên và nguồn lực quốc gia.

Số doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ” vẫn chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp “vừa” chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng.  

Trên thực tế, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây như: Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup… Song số lượng ít ỏi của các doanh nghiệp lớn chưa đủ làm xoay chuyển "bức chân dung" tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vài năm gần đây không có bước tiến đáng kể. 

“Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó số doanh nghiệp lớn - chiếm khoảng 2% tổng số doanh nghiệp – chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản và đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, bởi lớn lên nhờ đầu cơ là chính.

Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao”- ông Trần Đình Thiên cho hay.

Chuyên gia này cũng đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù (ví dụ chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái, hàng ngàn thủ tục hành chính và quy định…).

Có sự nhùng nhằng trong tư duy và quan điểm về xác định vai trò của các thành phần kinh tế theo hướng duy trì tình trạng phân biệt đối xử, bảo vệ cơ chế “xin - cho”, khiến thể chế chính sách về môi trường kinh doanh và phân bổ nguồn lực thiên lệch, tạo nhiều rào cản phát triển đối với cả khu vực tư nhân lẫn khu vực Nhà nước.

“Thực chất cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa. Cùng lắm ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều doanh nghiệp chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt” – ông Trần Đình Thiên nói.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Bùi Quang Tuấn- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: “Khu vực kinh tế tư nhân được coi là khu vực kinh tế quan trọng, nhưng đóng góp thực của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Ghi nhận chủ yếu là môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa được cải thiện một cách căn bản”. 

Để kinh tế tư nhân bứt phá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những giải pháp để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản – dài hạn: cơ cấu và cơ chế. Theo đó, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.