Tai nạn thảm khốc ở Sa Pa: Hai sở giao thông đều “vô can”?

ANTĐ - Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng ở Tòng Sành, Bát Xát, Lào Cai vào tối 1-9 cũng như sự lỏng lẻo trong giám sát hoạt động vận tải khách thuộc về Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Lào Cai, tuy nhiên, hai sở này đều khẳng định, đã làm hết trách nhiệm của mình.

Đơn vị nào cũng cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm trong vụ tai nạn thảm khốc ở Sa Pa

Đến đích rồi thì... thôi

Sau khi chiếc xe khách BKS 29B-085.92 của nhà xe Sao Việt gây tai nạn làm 13 người chết và 35 người bị thương vào tối 1-9 được làm rõ là xe tăng cường cho dịp nghỉ lễ 2-9, sự đùn đẩy trách nhiệm cũng bắt đầu nảy sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, chiếc xe khách gây tai nạn tối 1-9 chỉ là xe tăng cường nên Sở GTVT Hà Nội không quản lý, không cấp phù hiệu hoạt động tuyến cố định cho xe này. “Nhiều xe tăng cường trong những dịp nghỉ lễ, tết không nằm trong diện quản lý của Sở GTVT Hà Nội, chiếc xe khách BKS 

29B-085.92 là một trong số đó. Sở GTVT Hà Nội chỉ cấp lệnh tăng cường vào chiều 30-8 cho xe này chạy từ bến xe Mỹ Đình đến Phố Mới, TP. Lào Cai. Xe chạy đến Lào Cai vào sáng sớm 31-8 là hết hiệu lực của lệnh tăng cường. Từ  TP.Lào Cai đến Sa Pa thì Sở GTVT Lào Cai phải chịu trách nhiệm quản lý”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định. Cũng vì là xe điều động tăng cường, nhà xe Sao Việt không đăng ký quản lý thiết bị giám sát hành trình (GPS) với Sở GTVT Hà Nội nên cơ quan này không nắm được hành trình của xe. “Theo lệnh tăng cường được cấp, chiếc xe này chỉ được chạy đến TP. Lào Cai nhưng tại sao vẫn chạy được lên đến bến xe Sa Pa? Trong việc này phải xem trách nhiệm của bến xe Sa Pa đến đâu? Bến xe Sa Pa dựa trên cơ sở pháp lý nào mà cho xe này vào bến, bán vé?”, ông Nguyễn Hoàng Linh đặt vấn đề. 

Về trách nhiệm quản lý đối với nhà xe Sao Việt, ông Nguyễn Hoàng Linh bày tỏ, Sở GTVT Hà Nội không nắm được các xe của Sao Việt chạy từ Hà Nội lên Sa Pa vì khi xe đã đến địa phận Lào Cai thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sở tại. Theo ông Linh, “Nếu Sở GTVT Lào Cai thấy các xe của nhà xe Sao Việt chạy sai luồng tuyến thì phải có thông báo về Sở GTVT Hà Nội. Phương tiện lưu thông trên địa bàn sai luồng tuyến mà không quản lý được thì trách nhiệm phải thuộc về Sở quản lý địa bàn.”

Tai nạn rồi mới biết là xe tăng cường 

Mặc dù không được cấp phép chạy tuyến Hà Nội- Sa Pa nhưng nhà xe Sao Việt vẫn in vé Hà Nội- Sa Pa để bán cho hành khách. Vấn đề này được Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lý giải, vé bán cho hành khách được nhà xe tự in, còn vé mà nhà xe Sao Việt đăng ký với Sở GTVT Hà Nội chỉ chạy đến Lào Cai. “Chúng tôi nói vậy không phải đổ vấy trách nhiệm, nhưng khi sự việc xảy ra, làm rạch ròi mới thấy văn bản pháp lý của chúng ta còn chưa hoàn thiện, có sơ hở, không có sự kết nối. Mỗi lần như vậy chúng ta phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho hoàn thiện hơn,” ông Nguyễn Hoàng Linh phân trần. Liên quan đến việc, nhà xe Sao Việt có xuất trình một văn bản đăng ký xe tăng cường trong dịp nghỉ lễ 2-9 ghi rõ, xin chạy tuyến Hà Nội- Lào Cai- Sa Pa, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, doanh nghiệp có xin cấp nhưng Sở GTVT Hà Nội không đồng ý, chỉ cấp lệnh chạy đến TP. Lào Cai.

Còn ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai thì khẳng định, trong biểu đồ xe hàng năm mà Sở này quản lý không có chiếc xe khách gây tai nạn vừa qua. “Đây là xe mà Sở GTVT Hà Nội cấp lệnh tăng cường chạy Hà Nội- Lào Cai, nhưng Sở này không thông báo cho chúng tôi bằng văn bản nên chúng tôi không nắm được. Chỉ đến khi tai nạn xảy ra, điều  tra mới biết là xe tăng cường”. Tuy vậy, khi phóng viên đề cập đến việc, nhà xe Sao Việt đã xin cấp phù hiệu tuyến cố định cho chiếc xe gây tai nạn chạy tuyến Lào Cai- Thanh Hóa vào cuối tháng 5-2014 vừa qua, thì ông Nguyễn Văn Thạo lý giải, Sở này mới nhận hồ sơ, chưa cấp phù hiệu!

Về mặt quản lý Nhà nước đối với các xe chạy tuyến Hà Nội- Lào Cai nhưng vẫn chạy đến Sa Pa, ông Nguyễn Văn Thạo nhìn nhận, không có sự trao đổi giữa hai đơn vị nên hầu như không nắm được cụ thể xe chạy đến đâu. “Chỉ xe nào có văn bản chính thống thông báo giữa hai sở thì chúng tôi mới nắm được. Mà cũng phải quy định rõ ràng bến đi, bến đến, nếu chỉ cấp phù hiệu Hà Nội- Lào Cai thì biết ở chỗ nào. Sở GTVT Lào Cai cũng không cấp phép cho nhà xe Sao Việt chạy nối từ TP. Lào Cai đến Sa Pa”. Tuy vậy, lãnh đạo Sở GTVT Lào Cai cũng thừa nhận, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh này cũng đã xử phạt đối với nhà xe Sao Việt trong việc chạy sai luồng tuyến!

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Quyết tâm, bảo đảm an toàn cao nhất về con người và phương tiện

Tai nạn thảm khốc ở Sa Pa: Hai sở giao thông đều “vô can”? ảnh 2

Khi chúng ta hạn chế phương tiện xe khách giường nằm tham gia trên một số đoạn đường khó khăn, đèo dốc thì đương nhiên phải điều tiết các doanh nghiệp vận tải kinh doanh trên nhưng tuyến đường, cơ sở phù hợp. Ở đây, chúng tôi khẳng định là chỉ đạo của Bộ trưởng rất rõ “quyết tâm, bảo đảm độ an toàn cao nhất” cho người và phương tiện xe khách giường nằm khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: Cần cấm xe khách giường nằm trên đường đèo núi

Tai nạn thảm khốc ở Sa Pa: Hai sở giao thông đều “vô can”? ảnh 3

Ở góc độ đăng kiểm chúng tôi đặc biệt lưu tâm những biện pháp liên quan đến đảm bảo an toàn khi sự cố xảy ra. Ví dụ như độ cứng của khung vỏ xe để đảm bảo sao cho nếu xảy sự cố thì ảnh hưởng do bị  bóp, méo, bẹp..  của khung vỏ xe là ít nhất. Ngoài ra cũng cần chú ý đến hệ thống dây đai cho hành khách cũng như các cửa thoát hiểm.

Chúng ta cũng cần dựa trên các tiêu chuẩn của châu Âu và Nhật Bản để xây dựng  tiêu chuẩn của Việt Nam. Tuy nhiên đấy là nhưng tiêu chuẩn tiên tiến với điều kiện đường sá của các nước đó, khó áp dụng ở Việt Nam. Cần phải xem xét thêm một số yếu tố mang tính chất địa hình của Việt Nam để đề xuất với Bộ trưởng GTVT ban hành quy định về việc cấm lưu hành xe khách giường nằm trên đường đèo núi.