Vũ khí bất hợp pháp bị thu giữ tại thành phố Homs - nơi xảy ra xung đột làm nhiều người thiệt mạng
Kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với Liên đoàn Arập (AL) coi như đã đóng sập lại khi quyết định đình chỉ tư cách thành viên đối với Damascus của AL có hiệu lực từ ngày 16-11. Chính quyền Syria đã đình hoãn các cuộc đối thoại với AL, đồng thời cảnh báo quyết định của AL là một "bước nguy hiểm".
Thời gian qua, AL đã đóng vai trò đáng kể trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Syria. Mới đầu tháng 11 này, chính quyền Tổng thống al-Assad còn chấp nhận kế hoạch giải quyết khủng hoảng do AL đưa ra, trong đó có việc ngừng hoàn toàn những hành động trấn áp biểu tình, rút quân đội khỏi các thành phố, trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Nay chưa biết kế hoạch hoà giải trên sẽ đi về đâu khi quan hệ giữa Syria và AL bị "đóng băng". Giữa lúc đó, cuộc đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống al-Assad với phe đối lập còn tồi tệ hơn rất nhiều khi Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại nước này, ngày 15-11 tuyên bố sẽ không đàm phán với Tổng thống al-Assad.
Chủ tịch SNC Burhan Ghalyoun một mặt tuyên bố vẫn theo đuổi một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt khủng hoảng tại đất nước này song mặt khác lại kêu gọi LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Syria. Chính quyền Tổng thống al-Assad kịch liệt phản đối vì cho rằng hành động này sẽ là bước đi đầu tiên cho cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
Trong khi mọi ngả đường dẫn tới một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên mờ mịt thì con đường dẫn tới xung đột xem ra lại... rộng mở. Các cuộc đụng độ, xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ tại Syria với sự tham gia của các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, bom điều khiển từ xa... đã làm ít nhất hơn 3 nghìn người thiệt mạng từ khi bùng phát xung đột từ tháng 4.
Giới phân tích cảnh báo, nếu tình trạng bạo động ở Syria tiếp tục kéo dài sẽ càng có nguy cơ các nhóm đối lập ở nước này cầm vũ khí vùng lên như ở Libya. Một quan chức LHQ cho rằng, Syria có nguy cơ "lâm vào một cuộc nội chiến nghiêm trọng".
Lúc này, áp lực quốc tế ngày càng đè nặng lên Tổng thống al-Assad bởi không chỉ các quốc gia phương Tây mà một số quốc gia khu vực và Hồi giáo cũng cho rằng sự ra đi của nhà lãnh đạo này là giải pháp khả thi nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông Jeffrey Feltman cho biết, một số nhà lãnh đạo Arập đề xuất với Mỹ là họ sẵn sàng dành cho Tổng thống al-Assad một nơi cư trú an toàn, nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo này từ bỏ quyền lực.
Tuy nhiên, Tổng thống al-Assad lên tiếng bác bỏ mọi sự đe doạ và can thiệp từ bên ngoài.