“Sức khỏe” liên danh Vietur trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng dự án sân bay quốc tế Long Thành ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gói thầu "khủng" nhất dự án sân bay quốc tế Long Thành trị giá gần 35.000 tỷ đồng sẽ được thi công trong 39 tháng, hoàn thành vào cuối năm 2026 vừa tìm được liên danh nhà thầu là Vietur.

Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” của dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vừa được công bố trúng thầu cho liên danh Vietur.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết gói thầu có trị giá gần 35.000 tỷ đồng sẽ được thi công trong 39 tháng, hoàn thành vào cuối năm 2026.

Theo đó, nhà thầu trúng thầu là liên danh Vietur gồm: Tập đoàn Công nghiệp và thương mại Xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh); Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty CP Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1; Công ty cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành- gói thầu 5.10

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành- gói thầu 5.10

ACV khẳng định, các bước đánh giá về kỹ thuật, tài chính của từng liên danh Vietur đã được Tổ thẩm định đánh giá rất kỹ. Các nhà thầu đủ các tiêu chí chấm điểm mới đến các bước tiếp theo và trong tuần qua là thời gian thương thảo lại hợp đồng cụ thể.

Với những khiếu nại của các liên danh không trúng thầu, ACV cho biết trong thông báo đã nói rõ những lý do các nhà thầu không trúng, trong đó cụ thể là không đạt các điểm số theo các mức thang điểm.

Hệ sinh thái ông Nguyễn Bá Dương trong liên danh Vietur

Trong liên danh Vietur, đứng đầu là Công ty IC ISTAS (thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới thiệu, IC ISTAS trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo (quy mô 20 triệu hành khách năm); đầu tư sân bay Antalya theo hình thức BOT và PPP; thi công giai đoạn 1 sân bay King Khaled (thủ đô Riyadh, Saudi Arabia).

Đáng chú ý, trong liên danh này có ít nhất 3 công ty thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương là Ricons, Newtecons, Sol E&C. Ricons với gần 20 năm hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp và cơ điện.

Trong thập niên 2010, doanh nghiệp này thuộc hệ sinh thái xây dựng của ông Nguyễn Bá Dương với Coteccons là thương hiệu dẫn đầu.

Tham gia đấu thầu gói thầu nhà ga sân bay Long Thành có 3 liên danh, gồm Hoa Lư, Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors.

Liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm các nhà thầu China Harbour Engineering Company Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc).

Liên danh Hoa Lư gồm các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam như: Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta, Coteccons. Trong đó, Coteccons là đơn vị đứng đầu liên danh.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2013-2018, doanh thu và lợi nhuận Ricons tăng liên tục và đạt đỉnh lãi hơn 430 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 doanh thu phục hồi nhưng lợi nhuận vẫn dưới mốc con số trăm tỷ.

Newtecons được ông Dương phát triển lên sau khi tách ra khỏi Cotecons, hiện doanh nghiệp này cũng đang triển khai nhiều dự án xây dựng lớn ở các địa phương trong cả nước.

Vinaconex không xa lạ với ngành giao thông, là đơn vị thường xuyên trúng các gói thầu thi công những dự án lớn, cao tốc Bắc - Nam, nhà ga T2 Nội Bài, Phú Bài, Cam Ranh... Ngoài ra, công ty cũng đang tham gia liên danh đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với giá trị 9.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Vinaconex (HOSE: VCG) ghi nhận lãi ròng đạt gần 103 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần gần 4.566 tỷ đồng, tương đương tăng 110% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cũng từng góp mặt trong nhiều dự án nổi bật như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, Thủy điện Trị An, Nhiệt điện Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, đường sắt đô thị TP.HCM Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vừa qua cũng đã trúng nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Từ năm 2018 đến nay, doanh thu của CC1 quanh mức 5.000-6.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) và Công CP phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) cũng từng xây lắp nhiều công trình lớn trên cả nước, nhưng về lĩnh vực sân bay thì chưa có nhiều, đặc biệt là phần nhà ga.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội vừa cùng các đơn vị thi công xong phần cọc móng sân bay Long Thành và đang thi công phần cọc nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Dù vậy, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng không được đánh giá cao khi việc thi công khu Depot Tây Tựu, thuộc tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội chậm trễ dù chủ đầu tư đã nhiều lần thúc giục. Tại dự án metro này, chủ đầu tư nhiều lần nhận định, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội năng lực kém.

Trong khi đó, Phục Hưng Holding tổng nợ phải trả thường cao hơn 3 - 4 lần so với vốn chủ sở hữu.