Sửa quy định khống chế trần chi phí lãi vay với doanh nghiệp vay ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng cục Thuế đang xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay 30% trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng, tại Nghị định số 132/2020.

Bà Tô Kim Phượng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế đang rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (Nghị định số 132) và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Trước đó, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương (Nghị quyết số 105), Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 132, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) về quy định quản lý thuế với giao dịch có liên kết.

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế trần chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp vay ngân hàng

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế trần chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp vay ngân hàng

Thực hiện Nghị quyết số 105, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Một trong những vướng mắc lớn mà doanh nghiệp phản ánh thời gian qua là việc Nghị định số 132 khống chế chi phí lãi vay đối với cả các doanh nghiệp vay ngân hàng.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng khái niệm về các bên có quan hệ liên kết quy định tại Nghị định số 132 còn bất cập. Trong đó, đặc biệt là quy định trường hợp doanh nghiệp vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Bởi phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, hoặc mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.

Kiến nghị này vừa được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi Bộ Tài chính.

Tương tự, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng không nên và không cần thiết khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo lợi nhuận, để phản ánh trung thực và kịp thời hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế, HoREA đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm. Trong giai đoạn hiện nay, theo Hiệp Hội chỉ nên khống chế mức trần lãi vay này với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, theo bà Phượng, việc khống chế chi phí lãi vay nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10%-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Theo đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định số 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng thời gian qua nhiều doanh nghiệp có kiến nghị bỏ quy định này.

“Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp” – bà Tô Kim Phượng cho hay.