Sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu: Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, để thị trường tự lo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thị trường xăng dầu nên để tự cạnh tranh và bớt vai trò quản lý của Nhà nước.
Người dân xếp hàng mua xăng khi thị trường đứt gãy cục bộ

Người dân xếp hàng mua xăng khi thị trường đứt gãy cục bộ

Quản lý Nhà nước yếu kém

Sáng nay (14-2), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Trước những khó khăn “chưa từng có” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong năm qua, nhất là ở khâu bán lẻ, hội thảo đã thu hút hàng trăm đại biểu tham gia.

Những “rối rắm”, đứt gãy trên thị trường xăng dầu vừa qua được cho là do quy định bất cập trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Mỗi phương án sửa đổi Nghị định đều có ưu và nhược điểm, nhưng khi lựa chọn thì phải chấp nhận. Việc làm chính sách thì phải hướng đến lâu dài và tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng.

Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp”.

Các vấn đề được doanh nghiệp xăng dầu quan tâm nhất là chiết khấu bán lẻ xăng dầu, quy định được lấy xăng dầu từ 1 nguồn duy nhất và dự trữ lưu thông.

Được chỉ định góp ý cho dự thảo, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, năm 2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thực hiện rất tốt, “tròn vai” chức năng quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định 95 và 83. Tuy nhiên, bất cập thời gian qua là do quy định của Nghị định không còn phù hợp.

“Nghị định xây dựng càng bó thì càng khó cho thương nhân từ đầu mối đến bán lẻ, tạo ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp. Không chỉ vấn đề chiết khấu mà quan điểm của Hiệp hội thì Nghị định 95 cần sửa đổi ít nhất 10 điều khoản. Đề xuất của các doanh nghiệp đều hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

Xây dựng Luật không thể duy ý chí. Chiết khấu là thỏa thuận giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia, không phải của Nhà nước cho nên không thể quy định lấy của doanh nghiệp này, chia cho doanh nghiệp khác”- ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, “cực chẳng đã” doanh nghiệp đầu mối mới không chia chiết khấu cho bán lẻ vì đầu mối không có mà chi phí.

Lý giải cặn kẽ hơn, ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, Nghị định quy định doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ 20 ngày, dự trữ này là tiền của doanh nghiệp, giá thế giới xuống là doanh nghiệp lỗ ngay, nhưng điều chỉnh giá lại 10 ngày/1 lần, nên không tính đúng, tính đủ, doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ.

Do đó, theo ông Bùi Ngọc Bảo, dự thảo mới không cần bàn 10 ngày hay 7 ngày điều hành giá 1 lần, mà phải tính đúng, tính đủ cả dự trữ lưu thông. “Không thể hạ số ngày điều hành để tiệm cận giá thế giới; nhưng giá thế giới tăng thì dùng quỹ bình ổn để “đè” xuống, thực tế chỉ cần kéo dài ngày điều hành thì giá sẽ càng bình ổn”- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói.

Do đó, Nhà nước chỉ nên quản lý về giá nhập khẩu, còn chi phí thế nào để tự doanh nghiệp tính toán, thỏa thuận.

Về nội dung cho phép đại lý bán lẻ nhập khẩu từ nhiều nguồn, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng đã gọi là “đại lý” thì chỉ đại diện cho 1 đầu mối, có thương hiệu, tên tuổi của đầu mối.

Do đó, nếu lấy từ nhiều nguồn, thì nên gọi là “nhà bán lẻ độc lập”. Khi ấy, bán lẻ phải chịu trách nhiệm về thương hiệu, chất lượng, hóa nghiệm… “Đây là điều không dễ”- ông Bùi Ngọc Bảo nhận xét.

Ở góc độ độc lập, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn đánh giá, quản lý Nhà nước trong giai đoạn vừa qua về xăng dầu, về trái phiếu thể hiện sự yếu kém, nên để đứt gãy trên thị trường kéo dài.

Theo vị chuyên gia này, trong lịch sử, chúng ta đã từng có chiến tranh, có biến động địa chính trị, nhưng điều hành Nhà nước khác. “Họ không “đá bóng” mà có tổ tư vấn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng phụ trách lắng nghe, ra quyết định, rút kinh nghiệm và “đứt gãy” nhanh được khắc phục”.

Trực tiếp nói về điều hành giá xăng dầu, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm, hiện Nhà nước quyết định giá trần, thực ra đây giá bán cuối cùng.

“Để làm khung điều hành hiện tại thì điều hành đang lấy quá khứ làm căn cứ, mà quá khứ méo mó nên thị trường như vậy. Thị trường xăng dầu biến động hàng giờ, ta đã xóa bỏ bao cấp về xăng dầu, nói nếu không quản giá xăng dầu thì giá lạm phát, lập luận này là phi lý vì nếu quản lý sẽ thêm chi phí, chi phí bộ máy điều hành, quỹ bình ổn giá, chi phí thuế… Chính phủ lo lạm phát thì giảm thuế đi! Nên để thị trường quyết định. Nếu lo người dân thiếu thì trợ cấp trực tiếp cho người dân khó khăn.

Hiện tại là Nhà nước đang lo nhưng bắt doanh nghiệp phải chịu là vô lý. Do đó, nên bỏ trần, bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, để thị trường tự lo”- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng Nhà nước hiện đang đẩy sang doanh nghiệp.

Vì thế, muốn cung cấp xăng dầu ổn định thì nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm dự trữ quốc gia thay vì dự trữ tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung đề nghị bỏ quy định bán lẻ được nhập hàng từ 1 đầu mối hay nhiều đầu mối.

“Nên thành lập 1 thị trường tương đối cạnh tranh, rà soát lại điều kiện kinh doanh. Điều gì hạn chế cạnh tranh thì nên bỏ. Nhà nước chỉ nên quản về chất lượng, tiêu chuẩn, quy định an toàn. Nếu chưa bỏ được các quy định thì nên thành lập 1 hội đồng định giá, sau đó thuê công ty tư nhân định giá xác định giá hàng ngày, làm giá tham chiếu”- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng doanh nghiệp tại hội thảo. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, “đây là thay đổi về tư duy quản lý Nhà nước, mà tôi không tin sau hội nghị này sẽ làm được ngay, nhưng một ngày không xa sẽ cải cách như thế.".

Bán lẻ, bán buôn, phân phối đều lỗ?

Đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tham gia hội thảo, ông Hà Thanh Tùng- Đại diện Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Hà Giang cho biết, hội bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên với khoảng 9.000 cửa hàng bán lẻ, chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Về giá trị tài sản, mỗi cửa hàng bán lẻ trung bình trị giá 10 tỷ đồng thì hội có 90.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng tài sản Petrolimex.

Ông Hà Thanh Tùng tính toán, trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ có 3 nhân viên, tạo ra 27.000 việc làm. Lương và thu nhập bình quân nhân viên 10 triệu đồng/tháng thì chi phí lương của hội là 3.240 tỷ đồng/năm.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ tính toán, mỗi tháng mỗi cửa hàng bán lẻ cần 100 triệu để duy trì. Dù số việc làm và tài sản lớn như vậy nhưng doanh nghiệp bán lẻ dường như bị bỏ quên, mỗi tháng đang phải gánh lỗ nặng. Khoảng 3 tháng nay, khoản lỗ của các doanh nghiệp lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng.

“Kinh doanh thì có lúc này lúc khác nhưng tình trạng này đã kéo dài cả năm, trong khi đó, có thương nhân đầu mối quý IV-2022 báo lãi nghìn tỷ. Chúng tôi còn bị dọa rút giấy phép, ngừng kinh doanh, bị đầu mối chèn ép… Sức chịu đựng có hạn. Nhà bán lẻ mong muốn chuỗi cung ứng ổn định, hài hòa, công bằng lợi ích, đảm bảo bình đẳng trước pháp luật, được bảo vệ tài sản và vốn đầu tư”- ông Hà Thanh Tùng nói.

Ông Hà Thanh Tùng đề nghị nên sửa đổi công thức tính giá, trong đó quy định chi phí kinh doanh định mức chia đều 3 khâu: nhập khẩu, phân phối, bán lẻ. Ở khâu bán lẻ, chi phí này chiếm 3-3,5% giá bán xăng dầu. Tương tự, lợi nhuận định mức chiếm từ 2-2,5% giá bán. Đồng thời, Nghị định sửa đổi cho phép đại lý bán lẻ nhập khẩu từ nhiều nguồn, tương tự như thương nhân phân phối.

Theo ông Giang Chấn Tây- Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh), chiết khấu bán lẻ nên quy định tối thiểu từ 5-6% giá bán để ổn định thị trường.

Đại diện cho doanh nghiệp phân phối, ông Văn Tấn Phụng- Chủ tịch HĐQT CTCP thương mại dầu khí Đồng Nai kiến nghị, nên giữ nguyên quy định 15 ngày điều chỉnh giá bán lẻ 1 lần để đảm bảo dự trữ. Đồng thời, có thể bỏ quỹ bình ổn giá nếu xem xét lại thấy quỹ này không phát huy hiệu quả.

Phản biện lại ý kiến cho rằng doanh nghiệp đầu mối lãi nhưng không chia sẻ chiết khấu với đại lý bán lẻ, ông Nguyễn Hồng Nam- Ban Chính sách kinh doanh Petrolimex cho rằng, do quy định phải dự trữ lưu thông 20 ngày nên doanh nghiệp đầu mối cũng lỗ tại nhiều thời điểm.

“Một tháng lỗ của anh chị không bằng chúng tôi lỗ 1 ngày… Đàm phán mua xăng dầu cũng rất khó khăn. Tàu to nhập hàng mấy chục triệu USD/tàu, lỗ thì doanh nghiệp đầu mối quá đuối, không bù lỗ được nên không đảm bảo chiết khấu cho đại lý…”.

Ông Phạm Văn Thoại- Chủ tịch Sài Gòn Petro cũng cho hay: “Kiến nghị chia sẻ chiết khấu của đại lý bán lẻ là thỏa đáng nhưng giờ chúng tôi cũng lỗ. Cả nước có 33 đầu mối nhưng nhập khẩu liên tục thì nhiều nhất chắc chỉ 15 đầu mối. Nhập khẩu xăng dầu giờ không phải dễ. Chỉ tính riêng chênh lệch giữa thanh toán bằng VND và USD đã khiến chúng tôi mệt mỏi rồi”- ông Phạm Văn Thoại nói.

Đại diện doanh nghiệp đầu mối này cũng đề nghị cần xem xét lại quỹ bình ổn giá, nếu không hiệu quả thì nên bỏ.