Sự thật về lời đồn bị thần linh trừng phạt khiến cả làng hoang mang

ANTĐ - Thời gian gần đây, chuyện một người thợ máy xúc đã đào xới trúng nhiều hài cốt ở một khu đất của làng Yút (xã Ia Phí, huyện Chư păh, Gia Lai) rồi bị chết một cách bí ẩn khiến người dân địa phương hết sức hoang mang, vì lo sợ các linh hồn “trừng phạt dân làng”.

Cho rằng đã xúc phạm linh hồn tổ tiên, người dân trong làng sợ hãi đã phải đập heo cúng bò những mong linh hồn tổ tiên xá tội. Cái chết của người lái máy xúc khiến hàng nghìn người dân địa phương hoang mang sợ hãi, liệu có là linh hồn người chết trừng phạt kẻ quấy rối hay chỉ là một sự trùng hợp?

Bí ẩn cái chết của người thợ lái máy xúc 

Nhiều năm trước, để phục vụ cho việc tích nước hồ thủy điện Ia Ly, cả 3 làng Yút, làng Kênh, làng Tum (xã Ia Phí, huyện Chư păh, Gia Lai) đã được di cư lên vùng đất cao hơn để tiếp tục sinh sống.

Sau đó ít lâu, các ngôi mộ trong nhà mồ của 3 làng cũng được di chuyển lên vùng đất cao để “tổ tiên được an nghỉ”. Nhà mồ ở làng mới mỗi làng lại chọn ra một khu đất riêng khác, vì theo quan niệm không chôn chung người chết ở làng cũ và người chết ở làng mới.

Sự thật về lời đồn bị thần linh trừng phạt khiến cả làng hoang mang ảnh 1

Già làng Rơ Châm Yớt chỉ nơi mồ mả bị cày xới thời gian trước

Khu đất được chọn để chôn cất các hài cốt trên là của gia đình ông Rơ Châm Crét (56 tuổi) và một người dân khác cũng ở người làng Yút. Trước đây gia đình ông Crét và người dân kia đã đồng ý cho cả 3 làng chôn cất các hài cốt tại đất của mình, khi khu đất này vẫn còn là vùng rừng núi chưa được khai thác sản xuất.

Đến đầu năm 2015 này ông Crét và gia đình đã cho một người sống ở Kon Tum thuê khu đất “nhà mồ” này để trồng trọt, sản xuất. Sau đó người này đã thuê một chiếc máy lớn để đào xới khu đất lên cải tạo đất để trồng cà phê, đào rãnh thoát nước lớn, khiến cho nhiều hài cốt đang được “an nghỉ” bị xới lên gãy vụn.

Một người dân kể lại: “Người lái máy xúc mới chỉ múc vài múc đất lên là thấy hiện ra xương cốt, quần áo, vật dụng chôn kèm người chết. Khi nhìn thấy xương cốt bị gãy vụn trước mắt mình, ông ấy sợ hãi đến tím tái mặt mày, chân tay run lẩy bẩy. Sau đó ông ấy không dám làm tiếp nữa, mà xin nghỉ đột ngột để đi về nhà. Sau đó ít lâu chúng tôi nghe tin ông ấy chết một cách bất ngờ. Chính vì thông tin này nên nhiều người hoảng hốt, sợ hãi cho rằng chính vì xúc phạm vào những linh hồn đã khuất của làng nên người lái máy xúc này bị trả thù mới phải chết bất đắc kỳ tử như thế!”.

Khi thông tin máy xúc xâm phạm vào nhà mồ của 3 làng, và chỉ ít ngày sau người lái máy xúc lại bị chết một cách bí ẩn khiến người dân hoang mang. Nhiều người dân cho rằng người lái máy xúc đã động chạm tới thần linh nên bị trừng phạt như thế.

Sợ hãi cùng với những lời đồn đại cứ lan đi khắp làng này đến làng khác, ngồi đâu người ta cũng nghe thấy chuyện bàn tán về cái chết của người lái máy xúc sau khi đào phải hài cốt của làng.

Người làng còn kể lại câu chuyện rằng từ khi sự việc xảy ra, họ còn thấy có một con vật giống với con khỉ thường hay đi tới nhà ông Crét và họ hàng. Điều kỳ lạ là nó chỉ đứng yên nhìn vào nhà, nhìn mọi người trong nhà thôi.

Thế nhưng điều đó cũng khiến cả gia đình ông Crét sợ hãi. Bởi người Jrai ở vùng đất này quan niệm con vật đó mang trong mình linh hồn của những người đã chết. Rất có thể sau người lái máy xúc bị trả thù thì sẽ đến lượt người nhà ông Crét, và đến lượt người dân trong làng nữa.

Điều đó khiến người dân của 3 làng vô vùng hoang mang, sợ hãi, bức xúc vì cho rằng linh hồn ông bà “tức giận” nên đã trừng phạt, và sẽ còn trừng phạt nhiều hơn lên người làng nếu không cầu cúng cẩn thận để chuộc tội.

Cách đây 1 tháng, ông Crét cũng chấp nhận đập một con lợn để làng cúng. “Tuy nhiên vì con heo này nhỏ quá, chỉ chừng 15kg thôi. Cúng lợn nhỏ như vậy thì làm sao mà linh hồn tha lỗi được, người dân làng an tâm được. Cúng như vậy chỉ như để đối phó thôi. Tội lỗi ông Crét nhiều lắm, nếu ông ấy thành tâm thì phải cúng một con trâu, con bò, không thì cũng phải một con lợn lớn một tạ, thì linh hồn người chết mới tha lỗi cho chứ, người sống mới an tâm chứ!”, già làng Yơt nói.

Chỉ là sự trùng hợp

Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Châm Yơt (già làng làng Yút) cho biết: “Nếu ông Crét chỉ cho người thuê đào xới những hố nhỏ, nông để trồng mì, trồng bời lời thì các hài cốt, các linh hồn vẫn được yên tĩnh ở dưới đất, chúng tôi không có ý kiến gì. Đằng này ông ấy thuê máy múc về đào sâu xuống, xương cốt bị móc lên gãy vụn khiến người dân 3 làng chúng tôi - những người có tổ tiên chôn tại khu đất ấy, cảm thấy rất sợ hãi, rất bức xúc.

Trước khi khu đất ấy bị đào lên, ông Crét ấy cũng không hề thông báo hay bàn bạc gì với người dân 3 làng chúng tôi, không hề làm lễ cúng gì. Khi một phần khu đất lên bị đào lên, tôi và nhiều người của 3 làng đã biết và đến can ngăn, nhưng ông Crét vẫn cương quyết không nghe.

 Ông ấy còn dọa sẽ dùng bon mìn phá hoại cả làng, nếu làng cứ ngăn cản ông ấy cho thuê đất. Ông nói khu đất này của gia đình ông ta, ông ta thích là gì cũng được. Trong khi trước kia gia đình ông ta đã đồng ý cho chôn hài cốt ở đây. Nếu trước kia biết ông Crét sẽ làm thế này, chúng tôi đã tìm một khu đất khác để chôn cất rồi”.

Ông Rơ Châm Quin, Trưởng làng Kênh cũng cùng quan điểm với ông Yơt, ông còn nói thêm, rằng dù là người Jrai hay người Kinh cũng đều kính trọng những người đã mất, không dám tùy tiện động chạm đến hài cốt của đã mất, chứ không ai dám làm như ông Crét hết.

Trong khi phần đất cũng để chôn hài cốt của một người dân khác, sát bên với đất ông Crét được trồng mì, trồng bời lời, không có chuyện đào bới sâu xuống, thì người dân trong 3 làng không hề có ý kiến gì.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Ia Phí - Rơ Châm Laoh đã xác nhận số lượng hài cốt được chôn ở khu đất này hiện chưa được thống kê cụ thể, nhưng được ước tính khá lớn. Chỉ riêng của làng Yút, ước tính có khoảng 200 bộ hài cốt được chôn tại khu đất trên.

Ông Rơ Châm Laoh cũng xác nhận người thợ máy múc sống ở tỉnh Kon Tum tên Trần Xuân X. (42 tuổi, trú tại TP Kon Tum, Tỉnh Kon Tum). Tuy nhiên nguyên nhân tử vong của người này được xác định là do bị tai nạn giao thông, chết cách nay khoảng 2 tháng chứ không hề có chuyện bị thần linh hay linh hồn trừng phạt như người dân đồn đại.

“Sự việc đã được báo cáo lên chính quyền xã. Chúng tôi đã tiếp nhận sự việc, nhưng vấn đề này liên quan đến những chuyện tâm linh, có yếu tố mê tín nên xã ban đầu chỉ tổ chức được việc vận động, tuyên truyền. Nếu có chuyện nổi cộm, xã sẽ can thiệp ngay, sẽ có phương hướng giải quyết sự việc ổn thỏa, đem lại cuộc sống yên bình, tình làng nghĩa xóm hiền hòa như xưa cho người dân”, ông Rơ Châm Laoh cho biết.