Sự quả cảm của một bác sĩ người Mỹ nhiễm virus Ebola

ANTĐ - “Tôi đã từng nắm chặt bàn tay của bệnh nhân, đã tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi tột cùng của họ khi virus Ebola dần chiếm đoạt sinh mạng của người bệnh”, nhân viên y tế người Mỹ đầu tiên nhiễm virus Ebola trong quá trình cứu chữa người dân vùng dịch ở Liberia kể lại. Dù được giới truyền thông mô tả như một người hùng nhưng Kent Brantly nói rằng ông chỉ làm công việc bình thường như bất kỳ bác sĩ nào.

Kent Brantly là bác sĩ người Mỹ đầu tiên nhiễm virus Ebola

Đối mặt với nguy cơ cao

Ngày 2-8, một chiếc máy bay tư nhân được thiết kế để vận chuyển bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đưa nhân viên y tế người Mỹ nhiễm virus Ebola đầu tiên về nước. Sau khi máy bay hạ cánh tại căn cứ phòng không Dobbins, xe cứu thương của Bệnh viện Đại học Emory (Atlanta, Mỹ) với đoàn nhân viên an ninh hộ tống đã có mặt để đưa bệnh nhân tới khu cách ly đặc biệt của bệnh viện.

Lần này Bệnh viện Đại học Emory tiếp nhận ca bệnh đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới truyền thông nước Mỹ. Đó là trường hợp của Kent Brantly, bác sĩ 33 tuổi, người Mỹ đầu tiên nhiễm virus Ebola. Bệnh viện Đại học Emory là một trong 4 bệnh viện có khu phòng bệnh cách ly trang bị hiện đại nhất nước Mỹ. Khu này được xây dựng từ hàng chục năm trước nhằm chăm sóc cho các nhân viên y tế liên bang đã tiếp xúc với vi khuẩn nguy hiểm trên thế giới.

Mùa hè năm ngoái, bác sĩ Kent Brantly cùng gia đình tham gia một chương trình viện trợ y tế trong thời gian 2 năm tại Liberia, do Hiệp hội Cứu trợ Samaritan ở Thủ đô Monrovia phát động. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với các khó khăn khi chuyển đến châu Phi nhưng có những điều nguy hiểm mà ông Brantly không thể dự liệu. 

Cùng thời gian này, loại virus được cho là nguy hiểm nhất - Ebola đã quét qua nhiều nước Tây Phi, tạo ra dịch bệnh nghiêm trọng với quy mô chưa từng có. Dịch Ebola bùng phát vào ngày 

22-3-2014 ở vùng rừng phía Nam Guinea, giết chết 59 người. Chỉ sau 5 ngày, virus Ebola đã lan tới Thủ đô của Guinea, đến ngày 31-3, Ebola đã xuất hiện ở Liberia. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong do virus Ebola gây ra lên tới 90% (trong khi đó tỷ lệ chết do dịch SARS bùng nổ vào năm 2000-2003 chưa tới 10%), cho đến nay giới y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc phòng ngừa hoặc chữa trị. 

Ban đầu, bác sỹ Kent Brantly đến Liberia làm bác sĩ đa khoa tại một bệnh viện do tổ chức truyền giáo thuộc giáo hội Kito ở Thủ đô Monrovia, Liberia quản lý. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người bệnh nhiễm Ebola được đưa tới bệnh viện nơi ông làm. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, Hiệp hội Cứu trợ Samaritan đã chỉ định ông Kent Brantly làm trưởng nhóm đặc trách chữa trị cho các bệnh nhân Ebola. Khoảng giữa tháng 7, ông Brantly đã xuất hiện những triệu chứng nhiễm loại virus chết người này trong khi cách đó vài ngày, vợ và hai con ông về Mỹ dự đám cưới. 

Không bao giờ hối tiếc

Ngay khi nhận thấy một số triệu chứng nhiễm virus, ông Brantly đã tự cách ly trong 3 ngày. Sau ông Brantly, bà Nancy Whitebol, 60 tuổi, một nhân viên y tế người Mỹ tại Liberia cũng nhiễm virus Ebola. Chỉ vài giờ trước  khi biết tin được đưa về nước, bác sỹ Brantly đã nhường lọ thuốc điều trị thử nghiệm duy nhất cho bà Writebol. Trong khi đó, ông thử chọn cho mình liệu pháp truyền máu từ một cậu bé 14 tuổi người Liberia. Đây là cậu bé nhiễm Ebola được chính ông điều trị và hiện đã qua khỏi. Truyền máu từ những người sống sót sang cho bệnh nhân nhiễm Ebola là phương pháp điều trị đang được thử nghiệm trong đợt dịch này.

Việc đưa nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm Ebola từ châu Phi về nước chữa trị đã khiến nhiều người lo ngại dịch bệnh bùng phát tại Mỹ. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, ngày 8-8, bác sĩ Kent Brantly đã gửi thông điệp đầu tiên nói rằng ông cảm thấy khỏe hơn từng ngày và muốn cảm ơn những người đã cầu nguyện cho sự hồi phục của ông và bà Nancy Whitebol, cũng như người dân Liberia và Tây Phi. 

Ông Kent Brantly tốt nghiệp chuyên ngành y tại Viện y học Indiana. Việc bác sỹ Brantly từ bỏ cuộc sống ổn định và tiện nghi tại các đô thị lớn để tình nguyện đến vùng đất nghèo khó châu Phi khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng không khó lý giải khi ngay từ thời sinh viên, vào dịp hè Brantly đã đăng ký thực tập tại Kenya, Uganda, Honduras, Nicaragua, Tanzania và Haiti. Cũng trong chuyến đi ngắn ngày đó, ông gặp được ý trung nhân là vợ mình bây giờ. Hai người xác định sẽ đi chung con đường là vừa đi truyền giáo, vừa giúp đỡ người dân tại những khu vực không có điều kiện về y tế. 

Trong thông báo đầu tiên sau khi được đưa về Mỹ và chữa trị trong khu cách ly, bác sỹ Brantly cho biết không bao giờ hối tiếc trước những gì đã xảy ra đối với bản thân, bởi giúp đỡ người dân nghèo khó là lý tưởng của cuộc đời ông.