Sự nghiêm khắc cần thiết của thầy để học trò không trở thành "bom nổ chậm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự nghiêm khắc, kịp thời của những ông thầy đóng vai trò quan trọng, giúp cầu thủ trẻ có cơ hội cống hiến chứ không phải "quả bom nổ chậm" trên đội tuyển.

Mấy ngày nay, làng bóng Việt xôn xao hai câu chuyện liên quan tới hành vi xấu xí của bóng đá trẻ.

Tại giải U23 Đông Nam Á đang diễn ra ở Thái Lan, tiền vệ Nguyễn Văn Trường liên tục có hành động khiêu khích, gây hấn, trả đũa đồng nghiệp Justin Frias bên phía Philippines, ngay cả khi có HLV thủ môn Trần Đức Cường và đồng đội can ngăn.

Văn Trường nhiều lần gây hấn với cầu thủ Philippines dù được thầy và đồng đội can ngăn

Văn Trường nhiều lần gây hấn với cầu thủ Philippines dù được thầy và đồng đội can ngăn

Chứng kiến hành vi xấu xí, "nóng giận mất khôn" của học trò, HLV Hoàng Anh Tuấn đứng ngoài đường piste đã đứng ngồi không yên, tức giận và cả quát tháo.

"Tôi nói với trọng tài muốn thay cậu ấy ra ngay. Tôi không hài lòng, tôi muốn các cầu thủ chơi bóng thực sự. Bóng đá là đá bóng chứ không phải đánh nhau", HLV Hoàng Anh Tuấn nói sau trận.

Ông Tuấn cho biết bản thân "muốn quên đi trận đấu này" dù đây là chiến thắng đưa U23 Việt Nam vào bán kết giải, bởi với nhà cầm quân nổi tiếng nghiêm khắc này, xây dựng hình ảnh đội tuyển U23 Việt Nam chơi đẹp mới là mục tiêu cao nhất chứ không phải chuyện thắng thua thuần tuý.

Đây không phải lần đầu tiên Văn Trường gây hình ảnh tiêu cực về thái độ thi đấu khi khoác áo các đội tuyển trẻ. Nhìn rộng hơn, Văn Trường không phải trường hợp cá biệt, khi mà trước đó, nhiều cầu thủ với lối chơi bóng bạo lực, thiếu kiềm chế đã "gây hoạ" cho các đội tuyển trẻ, thậm chí đội tuyển quốc gia ở đấu trường quốc tế.

HLV Ngô Quang Trường dạy dỗ học trò sau hành vi sai trái, rồi bước tới xin lỗi ban huấn luyện U15 Viettel

HLV Ngô Quang Trường dạy dỗ học trò sau hành vi sai trái, rồi bước tới xin lỗi ban huấn luyện U15 Viettel

Cầu thủ có lỗi khi không làm chủ được hành vi, cảm xúc, không ý thức được hậu quả, rủi ro của việc mình làm tác động với tập thể. Nhưng trách cầu thủ 1 phần, người ta trách những ông thầy đào tạo nên họ, từ khi còn là những "tờ giấy trắng" ở các giải trẻ.

Chuyện một HLV đứng ngoài đường piste xúi học trò đá gãy chân đối phương tại giải U15 quốc gia 2014, đến nay vẫn còn được nhắc lại, như một điển hình cho thực trạng nhiều cầu thủ lên tuyển hư vì "nhà dột từ nóc".

Cũng ở giải U15 quốc gia mùa này, sau khi Đông Thức giúp Sông Lam Nghệ An có bàn vươn lên dẫn 3-2 trước Viettel (chung cuộc Sông Lam Nghệ An thắng 5-2) và cùng đồng đội chụm lại ăn mừng thì Ngô Anh Đức lại tiến về phía ban huấn luyện Viettel ăn mừng đầy khiêu khích.

Ngay lập tức, HLV Ngô Quang Trường của Sông Lam Nghệ An chạy vào sân dùng chai nước rỗng đánh vào đầu Anh Đức, dạy dỗ học trò, sau đó tiến tới xin lỗi ban huấn luyện Viettel.

Hành động của HLV Ngô Quang Trường có phần gay gắt nhưng được nhiều người cho là kỷ luật cần thiết để uốn nắn cầu thủ trẻ, không để mầm mống bóng đá bạo lực có cơ hội sinh sôi.