Sóng ngầm từ "Mùa xuân Mỹ"?

ANTĐ - Biểu tình bùng phát sau khi hai thanh niên da màu bị bắn chết tại thị trấn Ferguson (bang Missouri) đã một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về "cơn sóng ngầm" chủng tộc trong xã hội Mỹ.

Làn sóng biểu tình của người da đen ở vùng ngoại ô St. Louis với danh nghĩa đòi công lý đã biến thành bạo động với các vụ đụng độ giữa lực lượng thực thi luật pháp với người biểu tình, đã diễn ra tại thị trấn Ferguson, bang Missouri suốt từ ngày 9-8 vừa qua khi Michael Brown, một thanh niên da màu bị một cảnh sát bắn chết vô cớ chiều 9-8-2014. Có cả những người từ những bang khác tới tham gia. Những vụ đốt phá, cướp bóc đã xảy ra với hàng loạt cửa hàng và cây xăng bị đốt phá. Vụ án mạng này đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn Ferguson với 21.000 dân, chủ yếu là da màu, mà tại nhiều thành phố của Mỹ cũng đã diễn ra các buổi thắp nến với sự tham gia của hàng nghìn người cầu nguyện cho Brown, đồng thời làm nóng trở lại những tranh luận về các lực lượng thực thi pháp luật và người Mỹ gốc Phi. Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì ngày 19-8, cảnh sát Mỹ lại bắn chết một đối tượng tình nghi tại thành phố St. Louis, cũng thuộc bang Missouri, cách không xa thị trấn Ferguson. 

Ngày 18-8-2014, Tổng thống Barack Obama đã phải bỏ dở một cuộc nghỉ hè hai tuần tại đảo Martha’s Vineyard (bang Massachusetts) để quay về thủ đô Washington trực tiếp lo giải quyết những cuộc khủng hoảng. Ông Obama đã hai lần phải lên tiếng kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế để không dẫn tới những vụ đau lòng hơn. Khi chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa là đi được một nửa của nhiệm kỳ thứ hai và mới nửa tháng sau khi mừng sinh nhật lần thứ 53, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang lâm vào một tình cảnh cực kỳ khó khăn và đau đầu. Trong những vụ việc giống như thế này, Tổng thống nào cũng ở thế khó vì màu da của mình, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một Tổng thống Mỹ cùng màu da với nạn nhân. Ở thời điểm khi ông Obama trở thành người da màu đầu tiên là chủ nhân Nhà Trắng trong lịch sử 232 năm lập quốc, người Mỹ hy vọng mối quan hệ chủng tộc sẽ trở nên tốt đẹp. Thế nhưng, lúc này những cái chết của người thanh niên da đen đang là vấn đề lớn của xã hội Mỹ khi tình trạng phân biệt đối xử với người da màu dường như vẫn còn tồn tại. 

Trong quá khứ, vào năm 2013, phán quyết của Tòa án bang Florida tuyên bố trắng án đối với bị cáo George Zimmerman, người bị cáo buộc sát hại Trayvon Martin, một thanh niên da đen 17 tuổi đã thổi bùng làn sóng phản đối nạn kỳ thị sắc tộc ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Đây chưa phải là phiên tòa xét xử liên quan đến phân biệt chủng tộc đầu tiên ở Mỹ. Năm 1992, tòa án Mỹ đã tha bổng cho các cảnh sát thành phố Los Angeles trong vụ đánh một người tài xế da đen, dẫn tới một loạt vụ bạo loạn, cướp bóc kéo dài mấy ngày sau đó, làm nhiều người thương vong và gây thiệt hại về tài sản lên tới 1 tỷ USD.

Lần này sau sự cố, cảnh sát tại Ferguson đã tùy ý sử dụng các loại súng, áo chống đạn và ô tô quân sự hạng nặng - những trang thiết bị được binh lính Mỹ sử dụng tại các chiến trường Iraq và Afghanistan- tiếp cận những người biểu tình đã tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ. Những người biểu tình không chỉ tức giận về vụ nổ súng, mà còn bị xúc phạm bởi những phản ứng mạnh tay của cảnh sát. 

Hành động trấn áp của cảnh sát Ferguson đã bị chỉ trích, một lần nữa gióng hồi chuông báo động về tình trạng cảnh sát bắn dân chúng một cách bừa bãi. Cảnh sát viện lý rằng công việc của họ ngày càng thêm căng thẳng và nguy hiểm giữa một xã hội đầy rẫy súng đạn (ước tính trung bình có 101 khẩu súng cho mỗi 100 người dân). Tâm lý người dân ngày càng căng thẳng, ức chế do suy thoái kinh tế, cuộc sống khó khăn tới mức dễ bùng nổ đã khiến cảnh sát thêm nguy cơ bị đe dọa. Cảnh sát một số nơi được phép bắn chết chứ không phải bắn bị thương những đối tượng mà họ cho là đe dọa tính mạng mình. 

Cái chết của người thanh niên Brown tuy vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng nhưng tình trạng bạo động ở Missouri và biểu tình phản đối ở nhiều khu vực khác ở Mỹ cho thấy chủng tộc vẫn là cơn sóng ngầm nguy hiểm, có thể dễ dàng bùng nổ dữ dội và gây nên những hậu quả xã hội khôn lường tại nước Mỹ. Không chỉ ở Ferguson, mà ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, như ở Thủ đô Washington DC cũng có sự phân biệt rõ rệt khu vực sinh sống của người da trắng và khu tập trung chủ yếu người da màu. Thực tế, khu vực Trung Đông người Mỹ gốc Phi thường mất an toàn hơn, có tỉ lệ tội phạm cao hơn. Những người da màu cũng khó kiếm được việc làm hơn.

Theo tờ World Telegraph  ngày 19-8, cuộc bạo động đang diễn ra tại thị trấn Ferguson, thuộc bang Missouri của Mỹ được một số người đã đặt biệt danh là "Mùa xuân Mỹ" trong so sánh với “Mùa xuân A rập” tại Ai Cập và Bahrain. Về quy mô tàn bạo và độ đẫm máu, thì các cuộc biểu tình tại Ferguson không thể so sánh với các cuộc biểu tình “ Mùa xuân A rập”. Nhưng rõ ràng người Mỹ đang choáng váng khi nhìn thấy nhiều dấu hiệu tương đồng của những cuộc biểu tình dẫn đến xung đột bạo động trên. Mặc dù nguyên nhân và sự bất bình là khác nhau, nhưng “ngòi nổ” của các cuộc biểu tình tại Ferguson và "Mùa xuân Arập" lại giống nhau: một sự cố cụ thể đã châm ngòi cho một phong trào quần chúng rộng hơn nhiều, để trút ra nỗi thất vọng được tích tụ trong nhiều năm. 

Các cuộc biểu tình ở Ferguson sẽ kết thúc như thế nào? Chính quyền Liên bang đang cố gắng tìm mọi cách sớm ổn định tình hình. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tuyên bố mở cuộc điều tra vụ án giết người này. Tổng thống Obama cam kết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ vào cuộc để điều tra chi tiết về cái chết của thanh niên da đen. Các cuộc biểu tình tại Ferguson có thể sớm ngưng khi  viên cảnh sát Daren Wilson, người đã bắn chết Micheal Brown phải ra tòa, hoặc sự hiện diện của cảnh sát vũ trang trong thị trấn có thể giảm bớt, nhưng triển vọng có một giải pháp thay đổi sâu sắc và hệ thống hơn để hạn chế những vụ việc như thế này là tạo việc làm và cơ hội bình đẳng cho người da màu, không chỉ ở Ferguson mà ở trên toàn nước Mỹ- là rất mờ nhạt.