Số phận kỳ lạ của một nữ con tin

ANTĐ - Bị lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) bắt cóc năm 2002 khi đang đi vận động tranh cử, Clara Rojas bị giam giữ 6 năm và có con với một trong những kẻ bắt cóc. Câu chuyện kỳ lạ này chưa dừng ở đó. Người phụ nữ can đảm này đang chạy đua vị trí đại biểu Quốc hội Colombia trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật 9-3.
Số phận kỳ lạ của một nữ con tin ảnh 1
Ngoài đam mê chính trị, bà Clara Rojas còn hoạt động sôi nổi trong các lĩnh vực diễn thuyết,
tư vấn và viết sách

Đây có lẽ là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất khi xảy ra cuộc nổi dậy của phiến quân Colombia. Năm 2002, luật sư Clara Rojas đang điều hành chiến dịch tranh cử của nữ chính trị gia Ingrid Betancourt thì cả hai người bị phiến quân bắt cóc. Bị giam trong rừng sâu 6 năm, sau khi được trả tự do, bà Betancourt, công dân mang quốc tịch Pháp - Colombia đã chuyển tới châu Âu và “ở ẩn”. Nhưng Rojas lại quyết định khác: Quay trở lại chính trường.

Làm chính trị ở Colombia vẫn là một nghề nguy hiểm, vậy tại sao bà Rojas quay trở lại? Trong một cuộc phỏng vấn, bà Rojas, năm nay 50 tuổi cho biết, tranh cử chính là một cách để tiến lên và bỏ lại đằng sau quá khứ đau thương. “Khi mọi người gặp tôi, họ nghĩ đang gặp một nạn nhân đáng thương, nhưng không phải. Nếu bạn luôn nghĩ mình là một nạn nhân, bạn sẽ không bao giờ tự có trách nhiệm cho cuộc sống của bạn”, bà Rojas cho biết trong khi đi vận động tranh cử tại một ngã tư đông đúc ở Bogota.

Éo le chuyện đời 

12 năm trước, Rojas cùng đi vận động cử tri với cô bạn thân Betancourt, người đã có quyết định liều lĩnh chọn tới khu vực được coi là thành trì của lực lượng nổi dậy ở miền Nam Colombia. Nhưng trên đường đi, 2 người đã bị lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) -  nhóm phiến quân lớn nhất nước này bắt cóc. Lực lượng phiến quân lên kế hoạch sử dụng 2 con tin này để trao đổi với những chiến binh của FARC đang bị chính phủ bắt giam.

Rojas khi đó đã 38 tuổi, lại sợ rằng sẽ bị giam giữ nhiều năm và mất cơ hội làm mẹ, nên trong một khu trại giữa rừng, nơi giam hãm hàng chục con tin khác, Rojas có quan hệ với một trong những lính canh ở đây rồi mang thai. Bà mang thai trong điều kiện sống ở rừng rất nguy hiểm, các con tin đối mặt với bệnh dịch, rắn cắn và cả nguy cơ mất mạng trong các vụ đụng độ giữa FARC và quân đội Colombia. Hiển nhiên, việc Rojas mang thai gây nhiều tranh cãi. Một số con tin cùng bị bắt với bà buộc tội Rojas ngủ với kẻ thù. Những người khác lại đánh giá đó là mưu đồ để bà được bảo đảm tự do. Cuối cùng, Rojas yêu cầu được tách riêng khỏi các tù nhân khác.

Gần đến ngày Rojas sinh, quân nổi dậy từ chối đưa bà đến bệnh viện, thay vào đó là hứa hẹn cử một bác sĩ đến. Rojas chuyển dạ nhưng em bé bị ngược ngôi và bác sỹ thì không tới. Martin Sombra, một trong những thủ lĩnh ở đó hiện đang bị giam tại một nhà tù của chính phủ Colombia kể: “Khi đó, Clara sắp mất mạng vì đứa bé không ra được. Tôi biết một chút chuyên môn nên nhận ra chúng tôi phải mổ lấy thai. Chúng tôi tìm được một cuốn sách của ngành y, nghiên cứu xem phải làm thế nào, và sau đó tôi nói với Guillermo, một trong những lính của tôi: “Chúng ta sẽ mổ phanh”. Em bé cuối cùng đã được lôi ra sau khi kíp mổ tiệt trùng dao mổ trên một ngọn nến. Trong quá trình này, em bé đã bị gãy tay còn Rojas bị mất quá nhiều máu nên gần chết. “Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy ngạc nhiên không hiểu sao mình đủ sức mạnh để vượt qua thời khắc cam go ấy”, bà Rojas nói.

Nhưng thử thách chưa dừng ở đó. Con trai Rojas là Emmanuel đã khóc nhiều đến nỗi phiến quân sợ tiếng khóc sẽ để lộ nơi ẩn náu của bọn chúng. Vì vậy, khi Emmanuel 8 tháng tuổi, lực lượng nổi dậy tách con khỏi Rojas và lệnh cho một nông dân nuôi dạy cậu bé. Suốt 3 năm sau, Rojas không được nhìn thấy con trai mình. Tuy nhiên, người nông dân kia bất chấp lệnh của phiến quân, tìm cách chuyển Emmanuel cho cơ quan phúc lợi trẻ em của chính phủ Colombia. Rojas cuối cùng đã được FARC trả tự do năm 2008 và đoàn tụ với Emmanuel.

Mạo hiểm vì thế hệ tương lai

Bà Alejandra Barrios, người chỉ đạo một nhóm giám sát bầu cử độc lập cho biết, kể từ năm 2011, 20 quan chức chính phủ Colombia đã bị ám sát và 3 người đã bị bắt cóc. Với độ nguy hiểm như vậy, bà Barrios đánh giá Rojas thật dũng cảm khi trở lại chính trường. Cùng quan điểm như vậy, Lojeved Kabzir  - một nữ doanh nhân Colombia có chị gái bị phiến quân bắt cóc năm 2001 cho rằng: “Quan trọng là phải có những người như Rojas tại Quốc hội vì họ hiểu về nạn nhân cuộc chiến”.

Rojas hiện là một thành viên của Đảng Tự do ủng hộ Tổng thống Juan Manuel Santos và những nỗ lực của ông trong thương lượng tiến tới một hiệp ước hòa bình với FARC. Quyết định khởi động các cuộc đàm phán hòa bình của Tổng thống Santos năm 2012 đã vấp phải những chỉ trích cho rằng lực lượng phiến quân là những kẻ khủng bố và cần bị loại bỏ trên chiến trường. Nhưng theo quan điểm của bà Rojas, đàm phán là cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến kéo dài từ những năm 1960. “Cần một tiến trình hòa bình để khép lại 50 năm chiến tranh”, bà Rojas nhấn mạnh. Bà nói thêm rằng Emmanuel sắp được 10 tuổi và thế hệ của bà cần làm được một điều quan trọng là kết thúc xung đột để thế hệ con trai bà có thể sống trong hòa bình. Nếu trúng cử, bà Clara Rojas sẽ giúp thúc đẩy lực lượng phiến quân cung cấp đầy đủ thông tin về hàng nghìn người cho rằng đã bị bắt cóc và có thể đã chết. Nhưng nếu thua thì sao? “Thực tình tôi cảm thấy tốt thôi. Tôi hạnh phúc với con trai bé bỏng, hạnh phúc với cuộc sống đang có ngày hôm nay. Tôi hiểu rằng như vậy còn tốt hơn nhiều so với sống trong rừng”, bà tâm sự.