Sở hữu chéo ngân hàng, tổ chức tài chính như ma trận

ANTĐ - Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng khiến các ngân hàng có thể dễ dàng “lách” các quy định đảm bảo an toàn hệ thống, quy định về tăng vốn điều lệ... Không những thế, tình trạng này cũng khiến quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tài chính gặp nhiều khó khăn. 

Tình trạng sở hữu chéo gây ra những rủi ro khó lường

Qua mặt mọi quy định

Ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý cấp phép các Tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, “ma trận” của sở hữu chéo, đầu tư chéo xuất hiện và tồn tại từ nhiều năm trước, gắn với sự chi phối, thậm chí lũng đoạn của cổ đông lớn… trong hệ thống tổ chức tín dụng đến nay vẫn rất phức tạp. 

“Trước hết, sở hữu chéo tạo rủi ro dòng vốn ảo, giảm tính minh bạch, gia tăng rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Các cổ đông tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau có thể thực hiện các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo phục vụ lợi ích nhóm tạo ra vốn ảo, lợi nhuận ảo… làm cơ quan quản lý, nhà đầu tư khó xác định được thực chất vốn và tài chính của tổ chức tín dụng. Sở hữu chéo hình thành những khoản vốn khổng lồ nhưng chỉ có trên giấy tờ, sổ sách mà không được đưa ra thị trường, không phục vụ cho nền kinh tế, tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng”, ông Bùi Huy Thọ chỉ rõ.

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo cũng khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát việc tuân thủ các quy định của tổ chức tín dụng. TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra rằng: “Xét về bản chất, bản thân sở hữu chéo không phải là một hành vi sai trái. Song sở hữu chéo dễ bị lạm dụng bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ. Hệ quả là dẫn tới những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định của pháp luật, thoát ly khỏi vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý”. 

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhấn mạnh: “Việc sở hữu chéo, đầu tư chéo đã giúp các tổ chức tài chính không phải tuân thủ hầu hết các quy định đảm bảo tài sản, bao gồm quy định về an toàn vốn, quy định về giới hạn tín dụng cấp cho một khách hàng, qui định về hạn chế góp vốn, sở hữu chứng khoán bất động sản và quy định quản lý nợ xấu”. 

Làm chậm quá trình tái cơ cấu

Đánh giá về rủi ro khi các tổ chức tài chính, tín dụng lạm dụng sở hữu chéo và đầu tư chéo, ông Bùi Huy Thọ phân tích: “Ngoài việc làm giảm tính minh bạch, làm suy giảm khả năng chống đỡ rủi ro và tăng khả năng đổ vỡ của bản thân tổ chức tín dụng, sở hữu chéo, đầu tư chéo còn bóp méo cạnh tranh. Khi các tổ chức tín dụng liên kết thành một “mạng nhện” sẽ nảy sinh độc quyền nhóm. Liên minh tổ chức tín dụng này có thể đủ sức mạnh để chi phối lãi suất, tỷ giá và kể cả chính sách. Điều này có thể gây xáo trộn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế”.

Đại diện NHNN cho rằng, NHNN hiện cũng đang thể hiện quyết tâm xử lý vấn đề này trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Tuy nhiên, về thực tiễn triển khai xử lý, đặc biệt tại các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua giải pháp cơ cấu lại cổ đông còn khó khăn do đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian thanh tra để xác định rõ thực trạng tài chính cũng như cơ cấu cổ đông của tổ chức tín dụng. Sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn đối với chính sách cơ cấu, trong đó đặc biệt là biện pháp cơ cấu lại cổ đông nhằm chấm dứt tình trạng sở hữu chéo đã gây không ít khó khăn và làm chậm quá trình cơ cấu các ngân hàng yếu kém. 

Nhìn nhận về giải pháp đối với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần xác định chủ sở hữu đích thực của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng thông qua đó kiểm soát vấn đề “vốn ảo” trong hệ thống....