SLNA để Công Vinh sang Nhật: Được nhiều hơn mất

ANTĐ - Đội bóng xứ Nghệ đang rất khó xử trước việc giữ Công Vinh hay để anh tiếp tục thi đấu cho C.Saporro. Họ tiếc một biểu tượng, nhưng nếu để anh ra đi, có thể SLNA còn được nhiều hơn.

SLNA sẽ được rất nhiều nếu để Công Vinh trở lại Nhật Bản thi đấu

Cuối tháng 7-2013, SLNA chính thức thông báo sẽ để Công Vinh sang đội bóng chơi ở J-League 2 của Nhật là Consadole Saporro thi đấu với một hợp đồng có thời hạn 4 tháng. Rất nhiều ý kiến cho rằng đó là một bản hợp đồng nặng tính thương mại. Tuy nhiên, quãng thời gian tuy ngắn ngủi ở xứ sở Mặt trời mọc, Công Vinh vẫn cho thấy được giá trị của mình, khi nhanh chóng hòa nhập và có đóng góp không nhỏ vào lối chơi chung của Saporro. Dù không thể giúp CLB này thăng hạng J-League 1 ở vòng cuối cùng, nhưng Công Vinh vẫn được đánh giá rất cao trên cả khía cạnh chuyên môn lẫn thương mại cho đội bóng. Chính vì thế, ngay sau khi Công Vinh trở về nước, giữa tháng 12-2013, lãnh đạo CLB Consadole Sapporo đã gửi công văn đến SLNA đề nghị mua lại 1 năm hợp đồng của Công Vinh, với giá 240.000 USD. Có chuyện này, bởi trong điều khoản hợp đồng của Công Vinh với SLNA ghi rõ, nếu có CLB trả 5 tỷ đồng để mua đứt 1 năm hợp đồng, Công Vinh có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB chủ quản. Điều đó đồng nghĩa, lúc này, việc đi hay ở hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Công Vinh. Nhưng để tránh rơi vào tình cảnh khó xử, Công Vinh đã tuyên bố nhường lại quyền quyết định cho lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ. 

Trong trường hợp này, Công Vinh đã hành xử rất khôn khéo. Có thể, việc chơi bóng ở Nhật mang lại cho Công Vinh rất nhiều thứ, từ tiền, danh tiếng cho đến việc cải thiện chuyên môn bóng đá. Nhưng ở một đội bóng như SLNA, Công Vinh cũng hiểu anh được các CĐV yêu quý đến mức nào, và nhất là khi đội bóng đang cần anh hơn bao giờ hết. Vấn đề lúc này hoàn toàn nằm ở quyết định của lãnh đạo CLB SLNA. Nhiều người cho rằng giữ được Công Vinh ở lại sẽ là một động thái tốt cho tương lai gần của đội bóng. Bởi sau khi bán Trọng Hoàng, SLNA đang cần một biểu tượng, một đầu tàu để kéo cả đội tiến lên. Tuy nhiên, nếu bán Công Vinh, có thể SLNA sẽ còn được nhiều hơn thế. Đầu tiên là chuyện tiền. Trong bối cảnh các đội bóng đều khó khăn và eo hẹp về tài chính như hiện nay, việc bán Công Vinh với giá ban đầu là 5 tỷ sẽ mang lại cho đội bóng xứ Nghệ một nguồn thu không nhỏ để trang trải cho mùa giải mới. Đấy là chưa kể, 240.000 USD (tương đương 5 tỷ) mà Saporro “gạ” SLNA mới chỉ là mức phí ban đầu. SLNA hoàn toàn có thể đạt gấp đôi con số ấy nếu biết cách thương thảo. Tiếp đó, để Công Vinh ra đi, những chân sút từ lò đào tạo trẻ của đội bóng này sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn.

Chính Công Vinh cũng từng ở trường hợp này khi còn dự bị cho Văn Quyến, trước khi Văn Quyến sa ngã. Biết đâu, SLNA sẽ phát hiện được những chân sút đầy tiềm năng mới. Và một cái được nữa của SLNA, là mối quan hệ thêm bền chặt với Saporro. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang học theo Nhật Bản rất nhiều, thì mối quan hệ của đội bóng xứ Nghệ với CLB Saporro sẽ như một “nhịp cầu nối những bờ vui” giúp bóng đá Việt Nam tiếp cận sâu hơn với bóng đá Nhật Bản, từ chuyện mời chuyên gia, trao đổi cầu thủ cho đến học hỏi mô hình nước bạn, mà bản thân Công Vinh chính là một “đại sứ”. Lúc này, quyền quyết định ở lãnh đạo SLNA, và cơ hội như thế có lẽ không đến nhiều lần.