Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022:

Siết chặt doping, tổ chức đại hội "công bằng, khách quan"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin báo chí ngày 28-11, ban tổ chức khẳng định sẽ siết chặt công tác phòng chống doping, tinh thần là tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 an toàn, công bằng, khách quan, vô tư nhất.

Khai mạc từ ngày 9-12 và kết thúc ngày 21-12 tại Quảng Ninh, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 dự kiến có sự tham gia của 10.000 VĐV, tranh tài ở 43 môn thi.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (Bộ VH-TT&DL) kiêm Phó trưởng ban tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 cho biết đại hội là dịp để ngành thể thao đánh giá lại phong trào thể thao trên toàn quốc, đánh giá chu kỳ đào tạo VĐV chuyên nghiệp, nhằm tuyển chọn VĐV cho các giải quốc tế quan trọng sắp tới như SEA Games, ASIAD, vòng loại Olympic Paris… trong năm 2023.

Tinh thần là tổ chức đại hội an toàn, công bằng, khách quan, vô tư nhất

Tinh thần là tổ chức đại hội an toàn, công bằng, khách quan, vô tư nhất

Theo ông Đặng Hà Việt, đây là lần đầu tiên đại hội tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc 11 tỉnh thành, thuận lợi sự gắn kết, phối hợp ăn ý giữa các bộ, ngành, địa phương sau khi tổ chức thành công SEA Games 31.

Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ đại hội được đầu tư bài bản, nhân sự từ đội ngũ quản lý, giám sát, trọng tài, tình nguyện viên… đều có kinh nghiệm sau SEA Games 31. Dù thời gian chuẩn bị ngắn, kinh tế vừa trải qua 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, song ngành thể thao tin tưởng tổ chức đại hội thành công tốt đẹp.

Ông Trần Đức Phấn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Tiểu ban chuyên môn, kỹ thuật của Đại hội – cho biết hiện các địa phương đã sẵn sàng cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, một số môn đã khởi tranh, dự kiến 15 môn sẽ kết thúc trước ngày khai mạc đại hội 9-12.

“Những môn thi này được điều chỉnh tổ chức sớm để các tuyển thủ quốc gia kịp tham dự một số giải quốc tế vào đầu tháng 12 tới. Môn rowing đã kết thúc, kế đến sẽ là bắn súng, karate…”, ông Trần Đức Phấn thông tin.

Hà Nội là địa phương đăng ký nhiều VĐV nhất, Bắc Kạn đăng ký VĐV ít nhất (10 VĐV), Điện Biên đăng ký số môn thi đấu ít nhất (2 môn). Bóng đá (bóng đá nam, nữ, futsal nam) là môn thu hút sự tham gia từ các địa phương đông nhất, kế đến là điền kinh, karate…

"Ban tổ chức sẽ sử dụng các thiết bị thể thao tốt nhất phục vụ VĐV tranh tài. Đại hội sẽ được điều hành bởi 100% giám sát, trọng tài là người Việt Nam. Tinh thần là tổ chức đại hội an toàn, công bằng, khách quan, vô tư nhất”, ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Một số môn như rowing, karate, bắn súng... sẽ kết thúc sớm trước ngày khai mạc đại hội

Một số môn như rowing, karate, bắn súng... sẽ kết thúc sớm trước ngày khai mạc đại hội

Sau sự cố một số VĐV Việt Nam dương tính với doping tại SEA Games 31 vừa qua, ban tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đặc biệt chú trọng tới công tác này nhằm giúp các VĐV nâng cao ý thức chuyên nghiệp trong phòng, chống sử dụng doping.

Ông Nguyễn Văn Phú – Trưởng tiểu ban Doping của đại hội – cho biết các trưởng đoàn sẽ phải cam kết VĐV của mình không sử dụng doping, đồng thời tại các địa điểm thi đấu đều lắp đặt các trạm lấy mẫu kiểm tra doping. Dự kiến hơn 100 VĐV được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ phải lấy mẫu để ban tổ chức kiểm tra.

Ở đại hội năm nay, ngoài bảng xếp hạng toàn đoàn, ban tổ chức sẽ đánh giá kết quả thi đấu, xếp hạng tương tự đối với nhóm 19 đoàn thể thao đến từ các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Đắk Nông, Lâm Đồng…

Bảng tổng sắp huy chương đại hội, tính tới 10h ngày 28-11

Bảng tổng sắp huy chương đại hội, tính tới 10h ngày 28-11