Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng trên Amazon, Lazada, Sendo…

ANTD.VN - Đề án Chuyển đổi số đặt ra nhiệm vụ thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất, sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh  nghiệp bằng công nghệ số; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chuyển dịch lên nền tảng số (đến năm 2020 đạt 10%).

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ đưa sản phẩm lên Amazon, Lazada...

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia.

Theo dự thảo này, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là SMEs chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa chủ động tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ  tầng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng với xu thế công nghệ.

Máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam có số lượng lớn là những máy móc nhập khẩu từ  những công nghệ  cũ.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều rào cản.

Do đó, Đề án chuyển đổi số sẽ xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các SMEs (tư vấn lộ trình, tạo điều kiện kết nối nguồn vốn, công nghệ, thị trường…);

Hướng dẫn các SMEs hoạt động trực tuyến và tiêu chuẩn hóa các mục sản phẩm đưa lên môi trường thương mại điện tử; Quảng bá, nâng cao nhận thức lợi ích, hỗ trợ đào tạo về  chuyển đổi số, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các khu vực tụt hậu;

Tạo các ưu đãi như về thuế  cho doanh nghiệp trong việc sử  dụng các công cụ số. 

Về phát triển thương mại điện tử, Đề án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn giao dịch điện tử như: Shopee, Tiki, Sendo, Amazon, Lazada … để mở rộng phạm vi phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp này đến người tiêu dùng.

Mục tiêu chung của Đề án là đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia.

Đối với nền kinh tế, Đề án đặt ra mục tiêu chỉ  số  năng lực cạnh tranh quốc gia  -  World Competitiveness Scoreboard (WEF) của Việt Nam sẽ nằm trong top 40 (đến năm 2020 đạt Top 50);

50% doanh nghiệp SMEs chuyển dịch lên nền tảng số  (đến năm 2020 đạt 10%); Công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến năm 2020 đạt 15%); Phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (đến năm 2020 đạt 35.000);

Đưa Việt Nam trở thành 1 trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ CNTT lớn trên thế giới và đưa cách mạng công nghiệp 4.0 phổ cập ở Việt Nam.  

Theo Bộ TT-TT, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của CNTT- TT, mà phải được hiểu là nút đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội”- Đề án nhấn mạnh.