Saudi Arabia "thề" đánh bại cả khủng bố IS lẫn chính quyền Assad

ANTD.VN - Saudi Arabia tuyên bố không chấp nhận việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn tại vị, cũng giống như việc phải xoá sổ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chính quyền Saudi Arabia vừa tuyên bố rằng, không thể chấp nhận việc ông Bashar al-Assad tiếp tục ngồi trên chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực ở Syria. Giới lãnh đạo Ryiadh cho rằng, hòa bình ở đất nước này chỉ có thể đến sau khi ông Assad đã ra đi.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel Al-Jubeir ngày 24/2 tuyên bố rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm chính cho việc hình thành và phát triển của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, khiến chúng tàn phá nhiều khu vực trên đất nước Syria.

Trước đó, vào ngày 12/2, ông này cũng đã tuyên bố trước các nhà báo ở Munich-Đức rằng, để đánh bại khủng bố IS “chúng ta phải đối phó với cái gọi là ‘hai con voi trong phòng’” (“two elephants in the room”), mà một trong đó là “con voi” Bashar al-Assad.

Ông Jubeir nhận định là cộng đồng quốc tế không thể tiêu diệt được IS ở Syria nếu còn chính quyền Bashar al-Assad. Saudi Arabia coi ông này là người đã tạo ra khủng bố bằng cách cho phép IS hoạt động mà không tấn công chúng và thậm chí là còn giao dịch với chúng.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia còn tuyên bố rằng, nước này sẽ nỗ lực để đánh bại cả 2 đối thủ Bashar al-Assad và khủng bố IS.

Các nước phương Tây luôn muốn lật đổ chính quyền của ông Assad

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định là cả 2 nguyện vọng của Riyadh sẽ rất khó thực hiện được, bởi vị thế của Tổng thống Syria đang ngày càng vững chắc, còn từ lâu người ta đã cho rằng, chính Saudi Arabia mới là người đứng sau các tổ chức khủng bố và đối lập Syria.

Hiện nay, thực tế là các nhóm khủng bố và phiến quân do nước này hỗ trợ và o bế như al-Nusra (trước đây là chi nhánh al-Qaeda Syria, sau đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham) hay Quân đội Syria Tự do (FSA) đang mất ưu thế trên chiến trường trước lực lượng quân đội Syria.

Tuy nhiên, cục diện cuộc chiến ở Syria vẫn đang vô cùng phức tạp khi các nhóm khủng bố và phiến quân vẫn chiếm đóng được gần 2/3 đất nước ở phía Bắc và phía Đông, phía Nam; còn quân đội Syria chỉ đang kiểm soát các tỉnh phía Tây, chạy dọc bờ biển Địa Trung Hải và biên giới giáp với Lebanon.

Giới phân tích nhận định, bất kể là các bên đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Astana và Geneva nhưng quan điểm của Nga và các nước phương Tây, cùng với các đồng minh Ả rập của họ vẫn không thay đổi, cả 2 bên vẫn bất đồng về vấn đề "đi hay ở" của ông Assad.

Nếu khúc mắc lớn nhất về tương lai của ông Assad và tiến trình hòa giải dân tộc vẫn chưa được giải quyết thì dù có đánh thắng được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo thì cuộc nội chiến ở Syria còn lâu kết thúc, hòa bình chưa thể đến với nhân dân nước này.