Sau xăng dầu, hàng hóa nào sẽ tăng theo?

ANTĐ - Giá xăng dầu đã chính thức được điều chỉnh tăng 2.100 đồng/lít từ 7-3.  Theo quy luật, sau tăng giá xăng dầu, nhiều mặt hàng khác sẽ tăng theo. Điều này khiến dư luận lo ngại, giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ lại “leo thang”, còn giới chuyên gia lo ngại khả năng đạt mục tiêu lạm phát một con số sẽ rất khó và mối lo ngại về “bóng ma” lạm phát đang tái hiện.
 

Khổ vì tăng giá

Giá gas, điện, sữa tăng vẫn còn đang làm bàng hoàng nhiều gia đình thì cái tin xăng tăng giá và tăng những 10% lại một lần nữa khiến người dân vô cùng lo lắng và không hiểu tại sao giá cả lại cứ tăng liên tục như vậy. Sau Tết đến nay chỉ mới chưa đầy 2 tháng nhưng một loạt mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống đã tăng phi mã. Mới mấy ngày trước, giá gas tăng lên gần nửa triệu/bình (480.000/bình), sau đó đến sữa tăng và bây giờ là  xăng, rồi tới đây sẽ là mặt hàng gì tăng theo? Dư luận đang hết sức lo  lắng vì không hiểu tại sao mà một loạt mặt hàng thiếu yếu mà bất cứ một gia đình nào cũng không thể không dùng lại tăng cùng một lúc như thế. Trong khi đó, lương của đa phần những người dân là hết sức eo hẹp không đủ để trang trải chô cuộc sống hàng ngày dù đã rất cố gắng tằn tiệm. Hiện nay, những người có thu nhập vài triệu đồng/tháng đang đuối sức để đối phó với tăng giá. Có hàng trăm khoản phải chi mà khoản nào cũng cao chót vót, trong khi thu nhập thì không bao giờ đuổi kịp giá.

Điều người dân bức xúc nữa là trước thời điểm xăng đột ngột tăng giá, nhiều cây xăng đã ngừng bán với lý do cắt điện, hàng chưa về kịp… Trước sự việc này, cơ quan chức năng đã lên tiếng sẽ xử lý nghiêm các cây xăng cố tình găm hàng. Tuy nhiên sau đó chẳng có cây xăng nào bị xử nghiêm. Phải chăng các cây xăng đã biết trước việc xăng tăng giá để bảo vệ lợi ích của mình, chỉ có người dân là không hay biết và phải chấp nhận.

Rủ nhau tăng giá theo… xăng

Với việc tăng giá mạnh của hàng loạt mặt hàng thiết yếu và việc tăng vọt của giá xăng dầu và tới đây sẽ là giá điện, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự  báo sắp tới giá của nhiều hàng hóa sẽ lại rủ nhau tăng, dù mức giá hiện nay đã khá cao. Chỉ sau khi giá xăng dầu tăng 1 ngày, cước vận tải đã rậm rịch tăng 5-10%, nhiều hãng taxi cũng cho biết sẽ tăng cước khoảng 5% trong một tuần nữa. Theo anh Nguyễn Văn Huy, lái xe khách tuyến Hà Nội - Thái Bình, xăng tăng là một cú sốc lớn với ngành giao thông vận tải. Chúng tôi cũng đang tính phải tăng giá ít nhất từ 5-10% dù có thể khách hàng sẽ phản ứng.

Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã nhận được hơn mười kiến nghị của các doanh nghiệp taxi về điều chỉnh tăng giá cước như: taxi Mê Kông, taxi Vạn Xuân... bởi mức tăng giá xăng dầu lần này, nhiều doanh nghiệp nêu vấn đề cần tăng cước từ 500 - 1.000 đồng/km. Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cho biết giá xăng dầu tăng buộc hãng phải tăng giá cước taxi thêm 6%, hiện công ty chuẩn bị gửi bản kê khai điều chỉnh giá cước cho các cơ quan chức năng của TPHCM, sau 3 ngày gửi văn bản công ty sẽ áp dụng giá cước mới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam,  xăng tăng giá 10% thì giá cước vận tải sẽ tăng tương ứng ở mức 5% và dầu diezel tăng mức 5% thì giá cước vận tải tăng 2%. Chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động vận tải của các doanh  nghiệp. Tuy nhiên với phương tiện vận tải sử dụng dầu diezel thì có lẽ không phải tăng cước, do mức tăng thấp, nhưng với doanh nghiệp taxi chủ yếu dùng xăng, khó tránh được việc tăng giá. Theo ông Hùng, có thể xe tải và xe khách sẽ tăng giá trước vì thủ tục đơn giản hơn, còn taxi phải tuần sau vì cần thời gian kiểm định lại đồng hồ tính cước.

Điều chỉnh cước nhanh nhất và dễ dàng nhất có lẽ là giới “xe ôm”. Thông thường mức cước xe ôm dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/km (tùy vào khu vực, tùy quảng đường đi xa hay gần và khả năng trả giá của khách). Tuy nhiên, kể từ sáng ngày 8-3 thì mức cước đã lên khoảng 6.000 - 9.000 đồng/km

Thách thức một con số

 

Chưa kịp mừng vì lãi suất hạ, giá xăng đột ngột tăng 10% khiến nhiều người lo ngại giá nhiều mặt hàng chắc chắn sẽ tăng theo. Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả, (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh giá cả thế giới leo thang, 70% xăng dầu trong nước phụ thuộc nhập khẩu, thì tăng giá bán lẻ là điều tất yếu. Tuy nhiên, với mức tăng tới 10%, khả năng lạm phát tăng là điều khó tránh.

Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát năm 2012 là dưới một con số, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm con số này đã là 2,36%, như vậy, áp lực 10 tháng còn lại không vượt quá ngưỡng 6,64%. “Áp lực này là rất lớn trong bối cảnh giá xăng, dầu, gas và sắp tới là điện có khả năng tăng”, ông Long dự báo.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại rằng mức tăng cao này sẽ tác động tâm lý rất lớn đến người dân. Bởi xăng, dầu là một trong những nguyên liệu đầu vào cơ bản của nhiều ngành, khi mặt hàng này biến động sẽ kéo theo nhiều thứ tăng theo. Mối lo ngại về “bóng ma” lạm phát năm 2011 đang tái hiện.

Từ tăng giá xăng hôm nay, không thể quên động thái tăng giá điện cuối 2011 nhưng những tác động của nó sẽ rơi vào 2012. Từ ngày 20-12-2011, giá bán lẻ điện bình quân sẽ lên mức 1.304 đồng mỗi kWh, tăng 62 đồng so với giá bán hiện hành. Mức giá tăng xấp xỉ 5% này sẽ tác động nhiều vòng lên lạm phát và con số ước tính khoảng 3,69% lạm phát tăng thêm. Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó, với lộ trình giá thị trường đã được khẳng định đẩy mạnh, cộng với áp lực thua lỗ và thiếu điện... khả năng tăng giá điện có thể còn tiếp tục trong năm 2012. Thực tế, Bộ Công thương cũng đã từng cho biết, giá điện sẽ phải điều chỉnh. Vấn đề chỉ còn là cân nhắc thời điểm phù hợp. Trong khi đó, đề xuất mới đây của ngành than về tăng giá cũng đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng trên quan điểm đi theo giá thị trường và chấm dứt bù chéo.

Trong bối cảnh các nguyên liệu đầu vào tăng và dự báo sẽ còn tăng thì việc lên giá của các mặt hàng: Sữa 10-20 %, Mỹ phẩm 5 - 10%, áp lực tăng giá từ cúm gia cầm, biến đổi thời tiết... đã làm cho người dân như cảm thấy hơi nóng tăng giá đang phả hầm hập sau gáy trong khi “bóng ma” lạm phát vẫn còn ám ảnh.