Sập cửa đối thoại

(ANTĐ) - Việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi đang gây ra những luồng dư luận trái chiều, trong đó có không ít ý kiến cho rằng động thái này rất có thể đóng hẳn cánh cửa đối thoại nhằm giải quyết cuộc chiến tại quốc gia này.

Trát của ICC phát đi từ The Hague (Hà Lan) ngày 27-6 yêu cầu bắt giữ ông Gadhafi cùng con trai Seif al-Islam và trùm tình báo Libya Abdullah al-Senussi để điều tra về “những tội ác chống lại con người”. Theo ICC, ông Gadhafi cùng hai nhân vật này bị cáo buộc đã “sử dụng vũ lực không giới hạn để trấn áp người chống đối” khi các cuộc biểu tình bùng phát từ đầu năm nay tại Libya.

Như vậy, ông Gadhafi đã trở thành nguyên thủ quốc gia thứ hai trên thế giới bị ICC ra lệnh truy nã khi còn đương nhiệm. Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir với những cáo buộc “phạm tội ác chiến tranh và chống lại nhân loại” vào tháng 3-2009.

Ông Gadhafi đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ của ICC 

 Ông Gadhafi đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ của ICC

Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp ông al-Bashir, lệnh truy nã với ông Gadhafi có thể chỉ là trên giấy bởi để thực hiện việc bắt giữ nhà lãnh đạo Libya là rất khó. ICC không có lực lượng cảnh sát quốc tế riêng mà chỉ dựa vào các quốc gia thành viên để thực thi lệnh bắt giữ nên hơn 2 năm qua ông al-Bashir vẫn thoải mái đi lại tại nhiều quốc gia.

Song chính quyền Libya đã ngay lập tức lên án mạnh mẽ lệnh bắt giữ của ICC. Bộ trưởng Tư pháp Libya Mohammed al-Gamudi cáo buộc lệnh truy nã của ICC thực chất chính là “vỏ bọc cho chiến dịch đánh bom của NATO nhằm ám sát ông Gadhafi”.

Rất đáng chú ý là lệnh bắt giữ ông Gadhafi được ICC đưa ra đúng vào ngày thứ 100 kể từ khi NATO tiếp nhận vai trò chỉ huy chiến dịch tấn công quân sự vào Libya từ Mỹ. Đã hơn 3 tháng thay Mỹ đứng mũi chịu sào song NATO vẫn bất lực trước thế bế tắc kéo dài của cuộc chiến.

Dù đã tung hết các quân bài có trong tay, từ những cuộc không kích ồ ạt để tiêu diệt binh lực quân chính phủ cho đến các cuộc không kích chính xác nhằm ám sát nhà lãnh đạo Gadhafi nhưng NATO vẫn chưa thể giải quyết cuộc chiến. Quân chống đối được NATO yểm trợ hết mình cũng không thể làm gì hơn để thay đổi cục diện trên chiến trường.

 Trong bối cảnh đó, đối thoại được xem là một trong những lối thoát khả thi nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh đang khiến ngày càng nhiều thường dân Libya thiệt mạng vì bom đạn của cả hai phía. Là một tổ chức khu vực, Liên minh châu Phi (AU) đang tích cực đi đầu trong vai trò trung gian hoà giải dân tộc giữa hai bên đối đầu nhau tại Libya.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi giữa hai bên tham chiến, một ủy ban đặc biệt của AU ngày 26-6 đã nhận được cam kết mang tính tích cực đầu tiên khi cả chính quyền Libya và Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của lực lượng đối lập ở nước này. Chính vì thế, Tổng thống Nam Phi Jacop Duma đã bày tỏ thất vọng về phán quyết của ICC chỉ một ngày sau đó. Thay mặt liên minh, ông Duma cho rằng lệnh bắt giữ của ICC đang hủy hoại nỗ lực của AU nhằm mở ra kênh đối thoại để giải quyết hoà bình cuộc xung đột tại Libya.