Sáng kiến của hai sinh viên giúp người sơ tán khỏi Ukraine tìm nơi trú ngụ an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai sinh viên năm thứ nhất của Đại học Harvard đã giúp kết nối những người sơ tán khỏi Ukraine với chủ nhà ở nhiều quốc gia sẵn sàng tiếp nhận họ thông qua nền tảng một trang web dễ sử dụng. Nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sẵn lòng hỗ trợ chỗ ở miễn phí khi biết đến trang web này.
Marco Burstein cùng với bạn của mình đã giúp đỡ người di tản Ukraine tìm nơi trú ngụ an toàn

Marco Burstein cùng với bạn của mình đã giúp đỡ người di tản Ukraine tìm nơi trú ngụ an toàn

Kết nối người di tản và chủ nhà cho ở miễn phí

Chứng kiến những dòng người phải sơ tán khỏi Ukraine do xung đột hồi tháng 3 vừa qua, Marco Burstein, 18 tuổi, ở Los Angeles và Avi Schiffmann, 19 tuổi, ở Seattle (Mỹ) đã tạo ra trang web UkraineTakeShelter.com chỉ trong 3 ngày. Kể từ đó, hơn 18.000 lượt đăng ký trên trang web này để cung cấp, hỗ trợ cho những người di tản đang tìm kiếm nơi ở thuận tiện. Số lượt truy cập trang web của Burstein và Schiffmann mới đây đã lên tới 800.000 lượt đăng nhập. “Chúng tôi thấy được rất nhiều câu chuyện đáng kinh ngạc về những người chủ nhà và những người di tản được kết nối trên khắp thế giới. Các chủ nhà tham gia trợ giúp đến từ nhiều quốc gia, từ Hungary, Romania, Ba Lan đến Canada, Australia… Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực” - Burstein nói trong một cuộc phỏng vấn tại khuôn viên Đại học Harvard.

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột Ukraine - Nga đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, số người Ukraine phải di tản khỏi Ukraine đã lên tới con số đáng kinh ngạc, hơn 5 triệu người, trong đó, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Đây được xem là cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sinh viên năm nhất Schiffmann đang trong thời gian nghỉ học kỳ ở Miami để làm một số dự án, cho biết, theo dõi thông tin về dòng người di tản được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã thôi thúc cậu thấy cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ những người di tản Ukraine. “Tôi thấy mình có thể làm điều gì đó trên quy mô toàn cầu để giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để tránh cuộc xung đột. Với trang web “Ukraine Take Shelter”, những người dân di tản có thể chủ động tìm kiếm danh sách và tự liên lạc với các chủ nhà để có được nơi cư trú thay vì phải ở tạm bợ bên lề đường, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Đông Âu”- Schiffmann nói.

Trong số những chủ nhà tiếp nhận người di tản thông qua trang web có anh Rickard Mijatov, một người dân ở thành phố Linkoping, miền tây nam Thụy Điển. Rickard Mijatov đã chia sẻ nơi ở của mình cho cô Oksana Frantseva, 45 tuổi cùng con gái 18 tuổi và chú mèo cưng. Mijatov và vợ đã đăng ký danh sách tình nguyện giúp đỡ tại đại sứ quán, tuy nhiên sau đó tình cờ thấy trang web của 2 sinh viên đại học Harvard này và đăng ký luôn tại đó. “Ngay trong buổi sáng hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của Oksana hỏi liệu tôi có chỗ ở cho họ không. Và mọi chuyện được thu xếp khá nhanh chóng” - Rickard Mijatov nói trong cuộc phỏng vấn qua Zoom. Còn cô Oskana Frantseva cho biết, cô cũng rất bất ngờ khi nhận được hồi âm của Rickard một cách nhanh chóng như vậy. Năm ngày sau đó, cô cùng con gái và chú mèo cưng của họ đã có mặt trước cửa nhà Rickard.

Phòng ngừa tình trạng lừa đảo, buôn bán người

Burstein và Schiffmann đã tạo ra trang web kết nối này với mối quan tâm đặc biệt dành cho những người phải sơ tán vì cuộc xung đột. Họ cho biết đã thiết kế trang web dễ sử dụng nhất, để bất kỳ ai đang cần sự giúp đỡ có thể truy cập, tiếp cận những đề nghị được trợ giúp ở gần họ nhất. Còn đối với những người chủ nhà, 2 sinh viên cũng tạo cho họ những cách dễ dàng để sử dụng ngôn ngữ của mình, cung cấp những thông tin cần thiết như có thể cung cấp nơi cư trú cho bao nhiêu người, những hạn chế nếu có như trẻ em, vật nuôi…

Để phòng ngừa tình trạng buôn bán người hay các mối nguy hiểm khác mà những người di tản trong hoàn cảnh ngặt nghèo có nguy cơ gặp phải, nền tảng trợ giúp này cũng khuyến khích những người trợ giúp yêu cầu chủ nhà cung cấp tên tuổi đầy đủ và hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội của họ, đồng thời, yêu cầu được gọi điện thoại video để được biết tình trạng chỗ ở họ có thể cung cấp. “Chúng tôi biết rằng có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm, vì vậy, chúng tôi cố gắng tối đa các bước cần thiết để bảo vệ những người di tản đã tin tưởng chúng tôi. Trang web đưa ra những hướng dẫn chi tiết để cung cấp thông tin cho người di tản, giúp họ xác minh được những thông tin chủ nhà mà họ đang nói chuyện qua điện thoại giống như họ đang gặp mặt trực tiếp” - Burstein nói.

Hai sinh viên cũng cho biết, họ đang cố gắng sắp xếp một cuộc gặp với các quan chức cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, cũng như tìm cách phối hợp với các nền tảng cung cấp nơi ở như Airbnb, Vrbo và các công ty cho thuê trực tuyến khác.

Cho đến nay, mặc dù là những sinh viên đại học, nhưng mọi chi phí duy trì nền tảng họ đều tự chi trả, để cung cấp miễn phí cho người di tản. Họ cho biết, sẽ quyết tâm duy trì để giúp đỡ những người di tản, cùng với đó, họ cũng đang xem xét đăng ký hoạt động như tổ chức phi lợi nhuận để có thể nhận được tài trợ.

Trở lại Thụy Điển, Rickard Mijatov cho biết, ban đầu anh có chút lo lắng khi mở cửa nhà mình để tiếp nhận người di tản Ukraine, nhưng anh thấy không hối tiếc về việc làm của mình. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc này, nhưng mọi chuyện đã rất suôn sẻ. Họ là những người rất tốt. Tôi hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến với họ”- Mijatov vui vẻ trò chuyện trong lúc ngồi cạnh Frantseva.

Hơn 5 triệu người phải sơ tán khỏi Ukraine

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người phải rời khỏi Ukraine vì xung đột đã tăng lên hơn 5 triệu người. Đây được xem là cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong số những người sơ tán, phụ nữ và trẻ em chiếm tới 90%. Nam giới tại Ukraine từ 18-60 tuổi đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên không thể rời khỏi đất nước. Tính đến ngày 20-4, khoảng 5,03 triệu người đã rời khỏi Ukraine và hơn 7 triệu người khác phải sơ tán trong nước. Những người rời khỏi Ukraine hầu hết đã đến Liên minh châu Âu (EU) thông qua biên giới các nước như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết, gần 205.500 công dân từ những nước khác đang sinh sống và làm việc tại Ukraine cũng phải rời bỏ nước này. Theo IOM, tính tới tháng 3 vừa qua, có gần 6,48 triệu người được cho là đã sơ tán trong lãnh thổ nước này, nâng tổng số người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột lên hơn 10 triệu người, chiếm khoảng 1/4 dân số Ukraine.