Sản xuất ngưng trệ vì sông Hồng cạn nước

(ANTĐ) - Sông Hồng cạn kiệt nước khiến cuộc sống của người dân 2 bên bờ điêu đứng. Thấp thỏm theo mực nước lên  xuống, các phương tiện giao thông cũng gặp khó khăn bởi mực nước xuống quá thấp, sản xuất nông nghiệp thì đình đốn bởi thiếu nước tưới.

Sản xuất ngưng trệ vì sông Hồng cạn nước

(ANTĐ) - Sông Hồng cạn kiệt nước khiến cuộc sống của người dân 2 bên bờ điêu đứng. Thấp thỏm theo mực nước lên  xuống, các phương tiện giao thông cũng gặp khó khăn bởi mực nước xuống quá thấp, sản xuất nông nghiệp thì đình đốn bởi thiếu nước tưới.

Nước tưới rau cũng phải múc từng gáo
Nước tưới rau cũng phải múc từng gáo

Tàu bè mắc cạn, nông nghiệp đói nước

Toàn bộ khu vực bãi ven sông trồng hoa màu thuộc địa phận xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm suốt mấy tháng nay luôn trong trạng thái căng thẳng vì thiếu nước tưới. Vào những năm trước, người trồng hoa ở xóm Bãi, Liên Mạc chỉ phải đi khoảng 50m để gánh nước tưới, song từ tháng 11 đến nay, quãng đường ấy đã kéo dài gấp 3, gấp 4 lần.

Giữa tiết trời rét đậm mà anh Hoàng Văn Đào (xóm Bãi, Liên Mạc) đã phải gánh ngót nghét cả chục gánh nước để tưới cho ruộng rau vừa gieo. Anh cho biết, tuần trước nhà anh vừa phải thu hoạch non mấy luống hành, vì không có nước tưới lại gặp giá rét, lá hành đổ vàng úa. “Nước ngày càng cạn, đi nửa tiếng mới được gánh nước làm sao chúng tôi trồng trọt nổi. Đất bãi được tiếng màu mỡ, nhưng không có nước thì chẳng cây nào sống được” - anh Đào than thở.

Bên ruộng hành, lão nông Nguyễn Văn Thìn, thôn Nội, xã Liên Mạc vẫn kẽo kẹt từng gánh nước tưới. Lau vội mồ hôi trên mặt, ông cho biết, nước tưới hành ông phải lấy tận rãnh mương nhỏ, sục xuống cả bùn mới lấy được nước. “Ở ngoài này, dù đi xa nhưng còn có nước tưới. Chứ ruộng của tôi trong nội đồng làm gì còn nước. Hợp tác xã phải nhờ đơn vị khác bơm nước, nhưng là nước sông Nhuệ, đen ngòm, bốc mùi. Tưới hành được một lần, cả ruộng có triệu chứng héo úa hết, tôi không dám tưới nữa” - ông Thìn cho biết.

Đặc biệt, thời gian gần đây, do mực nước sông Hồng tiếp tục xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng tại khu vực cửa cống Chèm, nước từ sông Nhuệ lại chảy ngược ra sông Hồng. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi cứ lững lờ chảy ra sông Hồng khi nước triều xuống.

Nông nghiệp đình đốn vì không có nước sản xuất, giao thông đường thủy những ngày gần đây càng khó khăn hơn bởi nước sông xuống thấp, luồng lạch lại thay đổi thất thường. Đặc biệt, các điểm khan cạn ngày một bồi cao. Ông Cao Văn Định - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 cho biết, chỉ trên một đoạn sông Hồng dài 70km từ Việt Trì (Phú Thọ) đến Bắc Biên (Hà Nội) đã xuất hiện 4 điểm khan cạn ngay từ đầu tháng 10.

Thời gian gần đây, khan cạn càng diễn biến phức tạp, độ sâu luồng chạy tàu thường chỉ ở mức 1,8m, bởi vậy, những phương tiện vận tải có mớn nước sâu hơn không thể đi qua được. “Thêm vào đó, luồng lạch thường xuyên thay đổi nên hiện tượng mắc cạn, ùn ứ tàu thuyền thường xuyên xảy ra” - ông Định cho biết.

Thiếu sự quan tâm, đầu tư kịp thời

Thống kê của Trạm Quản lý đường sông Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 10, lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến sông Hồng qua Hà Nội đã giảm rõ rệt, vào tháng 10, chỉ còn 2.457 lượt/tháng, tương đương 856.000 tấn hàng hóa, sang tháng 11 chỉ còn 2.390 lượt/tháng, tương đương 813.600 tấn hàng hóa. Trong khi đó, vào tháng 11-2008 vẫn đạt 3.013 lượt, tương đương trên 1 triệu tấn hàng hóa.

Anh Phan Đức Tiến, chủ tàu PT6055 cho biết, từ hơn 1 tháng nay, công việc kinh doanh của anh bị đứt đoạn vì nước sông. Chiếc tàu mua lại có giá 1,5 tỷ đồng, phần lớn trong số này gia đình anh phải vay ngân hàng. Tuần trước, tàu của anh đã phải chầu chực ở đoạn Bắc Biên 10 ngày không thể di chuyển vì nước xuống quá thấp. “Chưa đến mùa khô mà tình hình đã nghiêm trọng thế này, tôi đi chuyến nào, lỗ chuyến ấy, thời gian chờ đợi vẫn phải trả lương, nuôi ăn mấy con người” - anh Tiến tâm sự. Cũng như anh Tiến, nhiều chủ tàu khác đều như “ngồi trên đống lửa” vì phần lớn tàu được mua bằng vốn vay ngân hàng.

Trên sông đoạn Bắc Biên, tàu PT1522 đã bị mắc cạn. Nhưng vì việc làm ăn dạo này sa sút, nên chủ tàu đành nằm yên chờ cơ may nước lên rồi cho thuyền ra, mà không gọi cứu hộ. Theo ông Trịnh Ngọc Toán - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6, có ngày hơn 200 chiếc tàu, xà lan tự hành phải neo đậu vì cạn nước. Đó còn chưa kể vào thời điểm mỗi khi cầu phao Chèm được mở, tàu, xà lan tranh nhau đi gây khó khăn trong việc hướng dẫn.

Theo ông Định, ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn nước, giao thông đường sông hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa có sự đầu tư của Nhà nước, của ngành giao thông. Nước khan cạn, nhiều tàu bè, xà lan đã bị mắc cạn nhưng lại  không có cơ quan cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, khan cạn đã xảy ra từ đầu tháng 10, phía Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 đã có kiến nghị nạo vét để duy trì độ sâu luồng chạy tàu song đến nay, công tác khảo sát, nạo vét vẫn chưa được triển khai. “Chúng ta vẫn chưa quan tâm đầu tư kịp thời, thích đáng để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Chúng ta vẫn quá lệ thuộc vào việc khai thác những điều kiện sẵn có của tự nhiên” - ông Định nêu ý kiến.

Hạ Quỳnh