- Quốc hội sẽ quyết chủ trương đầu tư sân bay Long Thành tại kỳ họp thứ 9
- Xem xét chủ trương đầu tư sân bay Long Thành
- Xem xét dự án sân bay Long Thành và mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, ngày 14/06/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Long Thành.
Tại quy hoạch này, lần đầu tiên cấu hình đường cất hạ cánh và thiết kế ý tưởng về nhà ga hành khách đã được các công ty tư vấn JAC, ALMEC của Nhật Bản, ADPI của Pháp đưa ra và hiện nay vẫn lưu trong hồ sơ quy hoạch.
"Cấu hình đường cất hạ cánh gồm 4 đường cất hạ cánh song song chia thành hai cặp, các nhà ga hành khách được bố trí ở giữa hai cặp đường cất hạ cánh là thiết kế điển hình của rất nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như Charles De Gaul, Thượng Hải, Suvarnabumi…", đại diện Cục Hàng không cho hay.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, thiết kế sân bay Long Thành không "đạo" ý tưởng
Cũng theo Cục Hàng không, hiện nay, thiết kế ý tưởng về nhà ga từ quy hoạch đã được công ty tư vấn giữ nguyên và đưa vào Báo cáo đầu tư (Báo cáo tiền khả thi) để làm cơ sở ước tính khái toán tổng mức đầu tư.
Tại bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ dừng ở mức khái toán và thiết kế ý tưởng, phần thiết kế kỹ thuật chi tiết sẽ được thực hiện ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi (trong trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư). Ở bước này thì các thiết kế mới thực sự được hình thành. Nghiên cứu khả thi nếu được các cơ quan chức năng phê duyệt mới đi vào thi công.
"Hình ảnh minh họa cho những nội dung mà ông Trần Đình Bá phản ánh trên một số báo điện tử là hình ảnh sân bay Chek Lap Kok và hoàn toàn không phải là hình ảnh phối cảnh và thiết kế ý tưởng của Cảng HKQT Long Thành trong các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", đại diện Cục Hàng không khẳng định.