Sai phạm tại hàng loạt dự án điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương chỉ ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến điện mặt trời tại các công ty điện lực và các địa phương trong thời gian qua sau khi kiểm tra các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt

Các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt

Bộ Công Thương vừa có kết luận số 1424/KL-BCT về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Kết luận này chỉ ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến các dự án ĐMTMN tại các công ty điện lực và các địa phương.

Cụ thể, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương đối với 2 khách hàng; ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương.

Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung.

Tương tự, Công ty Điện lực Bình Dương sai phạm khi thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu, xảy ra tại hệ thống ĐMTMN tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty cổ phần Mai Sơn Lâm. Ngoài ra, sai phạm tương tự cũng xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Phước.

Tại Công ty Điện lực Ninh Thuận, đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm về thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN khi vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty cổ phần Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm, khách hàng có mã PB18020044373.

Công ty này cũng ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong đơn đăng ký phát triển, thỏa thuận đấu nối là trái với quy định của Bộ Công Thương. Sai phạm xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty BP Solar, Công ty Bắc Phương, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Gia Nhật Minh.

Theo đoàn kiểm tra, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại các trạm biến áp 110/22 kV Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Thuận 1, Ninh Phước, dẫn đến làm tăng công suất truyền tải lên đường dây 110 kV cấp cho các trạm biến áp này.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra cũng phát hiện công ty thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN. Cụ thể, 30% tấm quang điện được lắp đặt trên khung giá đỡ nhưng không có mái nhà. Việc này xảy ra tại cụm công trình của các chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Minh Cường, Công ty TNHH Năng lượng Anh Tuấn, Công ty TNHH Điện năng Bình Minh Ninh Thuận, Công ty TNHH Quốc Thắng Ninh Thuận thuộc thôn Bầu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Công ty Điện lực Bình Thuận cũng bị chỉ ra trình tự thực hiện phát triển ĐMTMN với quy định tại hệ thống ĐMTMN của Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Bình An, Công ty Công nghệ xanh Toàn Cầu; nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định, xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Hàm Tân Solar farm.

Bộ Công Thương cũng cho hay, nhiều sai phạm tương tự cũng xảy ra với các công ty điện lực miền Trung. Tại Công ty Điện lực Gia Lai, đoàn kiểm tra phát hiện thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương; chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái quy định tại nhiều dự án.

Tại Công ty Điện lực Đắk Nông xảy ra việc đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải trái quy định; chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020; đấu nối, nghiệm thu đưa vào vận hành và ký hợp đồng mua bán gây quá tải hệ thống lưới điện.

Công ty Điện lực Đắk Lắk nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, thỏa thuận đấu nối có điều kiện (theo báo cáo của công ty là 101 khách hàng), nghiệm thu đưa vào vận hành và ký hợp đồng mua bán điện gây quá tải hệ thống lưới điện; chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020, ký hợp đồng mua bán điện trái quy định; thiếu minh bạch trong phát triển ĐMTMN (lưới điện chưa quá tải nhưng thông báo trên website là trạm/đường dây không giải tỏa được công suất; thông báo trên website đường dây/trạm biến áp không còn giải tỏa được công suất nhưng sau đó chấp thuận đấu nối nhiều khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp đã công bố quá tải)…

Đối với Tổng công ty Điện lực TP. HCM, đoàn kiểm tra đề nghị Tổng công ty Điện lực TP. HCM rà soát tất cả việc thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, áp dụng giá mua/bán điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cho biết, hiện các nhà đầu tư tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải. Phần lớn các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, mới thành lập, chủ yếu tập trung lắp đặt thiết bị để bán điện.

Trên cơ sở kết luận, đoàn kiểm tra yêu cầu các công ty điện lực chịu trách nhiệm cho những vi phạm của mình. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý các hệ thống ĐMTMN, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển ĐMTMN;

Bộ Công Thương cũng yêu cầu cần kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình thực hiện phát triển các dự án/hệ thống ĐMTMN tại các công ty điện lực trên toàn quốc. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công Thương cũng đề nghị các tỉnh, thành phố liên quan thực hiện hậu kiểm theo đúng thẩm quyền; việc các đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu không đúng cho đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó, tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. Tháng 3-2021, Bộ Công Thương quyết định kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến ĐMTMN được đưa vào vận hành trước ngày 1-1-2021 tại các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP. HCM.