Sai lầm thường gặp ở bà mẹ mang thai

(ANTĐ) - Sinh con là thiên chức thiêng liêng của người mẹ. Vì vậy khi mang thai, phụ nữ cần có những kiến thức nhất định về sản khoa để tránh mắc những sai lầm gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Sai lầm thường gặp ở bà mẹ mang thai

(ANTĐ) - Sinh con là thiên chức thiêng liêng của người mẹ. Vì vậy khi mang thai, phụ nữ cần có những kiến thức nhất định về sản khoa để tránh mắc những sai lầm gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Quyết định có thai theo hoàn cảnh và ý thích?

Phụ nữ khi lập gia đình là xác định thiên chức sinh con, nhưng không phải ai cũng có những quyết định thời điểm mang thai hợp lý. Nhiều trường hợp khi quyết định sinh con, thường không tính toán và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần có khi mang thai. Các bác sĩ khuyên rằng, trước khi có thai, phụ nữ nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu tình trạng sức khỏe chưa phù hợp để mang thai, bạn không nên quá vội vàng, hãy đợi một thời gian nữa khi sức khỏe đủ điều kiện. Một số trường hợp phụ nữ mang một số di tật gây ảnh hưởng đến thai nhi và khả năng sinh con, phải điều trị cho khỏi hoàn toàn, được các bác sĩ cho phép lúc đó mới nên mang thai.

Ăn càng nhiều càng tốt?

Thai nhi rất cần nguồn dinh dưỡng để phát triển bình thường. Do vậy, không phải cứ ăn nhiều là tốt. Hãy chọn cho mình khẩu phần ăn hợp lý, cần có thêm khoảng 300 calo mỗi ngày, ăn nhẹ nhiều bữa trong ngày. Nên ăn các loại rau quả, sản phẩm ít béo, đó là những thức ăn chứa nhiều protein, vitamin và các khoáng chất góp phần cho sự tạo máu, cơ và xương khớp.

Luyện tập thể dục quá mức?

Nhiều phụ nữ, nhất là chị em ở nông thôn thường cho rằng, càng hoạt động nhiều thì càng “dễ đẻ”. Song điều đó là hoàn toàn sai lầm. Chế độ luyện tập thể dục cần phù hợp với thể trạng người mẹ và không được quá mức với mọi phụ nữ mang thai. Nói chung là khi mang thai, người mẹ tránh những hoạt động nặng, có thể bơi lội hoặc đi bộ nhưng không quá sức.

Tăng cân tốt cho thai nhi?

Phụ nữ sai lầm khi nghĩ rằng, người ta đánh giá tình trạng thai nhi qua cân nặng người mẹ. Nhiều phụ nữ khi mang thai cân nặng không tăng nhiều nhưng tình trạng sức khỏe thai nhi vẫn rất tốt và dễ sinh nở. Khi cân nặng tăng quá cao, người mẹ sẽ dễ mắc một số bệnh như béo phì, máu nhiễm mỡ… và lười vận động rất ảnh hưởng đến thai nhi.

Kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ về mối liên hệ giữa cân nặng của trẻ sơ sinh với chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) của người mẹ trước khi mang thai ghi nhận, con của bà mẹ dư cân thường béo hơn và ít cơ bắp hơn con của bà mẹ có cân nặng bình thường và chúng có xu hướng béo phì khi trưởng thành. Hãy duy trì mức tăng thể trọng khoảng 12kg so với cân nặng bình thường của bạn.

Ngừng hẳn “chuyện ấy”

Trong thời gian mang thai, việc giao hợp không bị cấm nhưng nên thận trọng. Trong 3 tháng đầu, người chồng nên tránh giao hợp vì lúc này là giai đoạn bắt đầu hình thành các cơ quan, tổ chức của thai nhi. Đến tháng thứ 5, thứ 6, có thể được giao hợp nhưng nên ở tư thế sao cho tránh đè, ép vào thai (thường là nằm nghiêng). Động tác giao hợp cần nhẹ nhàng, không thô bạo hoặc quá mạnh. Giữa tháng thứ 8 và 9 nên ngừng giao hợp vì lúc này những kích thích và xung động trong quá trình giao hợp có thể gây bong bánh rau, chảy máu, sảy thai, đẻ non.

Một số thức ăn phụ nữ mang thai nên tránh

- Thức ăn nướng, xông khói: Nhiên liệu đốt (thường là gỗ và than) sẽ tạo ra một loại chất độc làm ô nhiễm các thức ăn được xông nướng. Chất độc này có thể gây ung thư cho con người, nhất là phụ nữ mang thai.

- Gan động vật: Gan động vật giàu sắt và vitamin A. Nếu phụ nữ mang thai ăn quá nhiều gan động vật, đặc biệt là khi dùng các viên thuốc bổ sung sinh tố khác, lượng vitamin A được đưa vào cơ thể sẽ quá nhiều, ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí gây quái thai.

- Nhãn, đặc biệt là long nhãn, đối với người bình thường nhãn là thức ăn tẩm bổ tốt. Nhưng đối với phụ nữ mang thai, nó là quả cấm. Long nhãn có tính dễ trợ hỏa, phụ nữ mang thai ăn vào sẽ tăng nhiệt cho thai nhi, gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa. Nếu dùng lâu sẽ hại đến âm, xuất hiện hiện tượng nhiệt, đau bụng, xuất huyết dễ gây sẩy thai, sinh non.

- Nước cola: Đây là loại nước chứa nhiều caffein gây cho thai phụ sự hưng phấn, tăng nhịp tim, mất ngủ, nôn mửa… ảnh hưởng đến thai nhi.

Nói chung, người mẹ mang thai không nên kiêng khem quá mức nhưng cũng phải hạn chế dùng các loại kích thích như nước chè đặc, rượu, cà phê, thuốc lá, giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.

Kim Chi