Rút giấy phép đơn vị kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng, tạo khan hiếm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn đối với mặt hàng xăng dầu sau khi thị trường có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không gián đoạn sản xuất

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không gián đoạn sản xuất

Theo Bộ Công Thương, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn – Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu;

Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Công Thương lưu ý có thể tùy mức độ vi phạm của các đại lý mà áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định;

Giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng QLTT trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, báo cáo kịp thời.

Trước đó, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, cho biết nhà máy phải tiết giảm công suất và có nguy cơ tạm ngừng sản xuất từ giữa tháng 2-2022 do gặp khó khăn về tài chính và nếu không được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giải quyết kịp thời.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện cung cấp 35% nguồn cung xăng dầu trong nước. Do đó, việc nhà máy giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trước thông tin trên, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã lo ngại thiếu hụt xăng dầu để bán ra và tìm cách để liên hệ nhập khẩu từ các nguồn khác.

Trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ chiều 28-1, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã họp và đưa ra một số quyết sách về tháo gỡ tài chính, để Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được tiếp tục hoạt động thời gian tới.

Diễn biến này được ông Hải đánh giá tích cực, giúp giải quyết phần nào vấn đề nội tại của Nghi Sơn và tránh việc nhà máy dự kiến dừng hoạt động sản xuất từ giữa tháng 2 do khó khăn tài chính.