Rà soát dấu hiệu vi phạm về quảng cáo trong ngành sữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Lê Hoài Điệp- đại diện Cơ quan điều tra Cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia- Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát và thường xuyên giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa.
Thị trường sữa của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, cạnh tranh gay gắt

Thị trường sữa của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, cạnh tranh gay gắt

Thời gian qua, mạng xã hội tràn ngập những thông tin quảng cáo mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh về sữa và các sản phẩm từ sữa.

Một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo sữa như: đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, so sánh về sữa trái cây và sữa trắng…

Hoặc đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần suất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Nêu quan điểm về hiện trạng này, ông Lê Hoài Điệp cho biết, Luật Cạnh tranh điều chỉnh nhiều nhóm hành vi, trong đó có nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó có các hành vi sau đây có liên quan:

Thứ nhất, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam. Việc đăng tin, bài, status, hoặc chia sẻ, bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng.

Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt.

Do đó, theo ông Lê Hoài Điệp, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.

Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó.

Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật”- ông Lê Hoài Điệp nói.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khác để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành sữa cần xây dựng chính sách tuân thủ quy định pháp luật đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác.

Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, vui lòng phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.