Quyết định khôn ngoan
(ANTĐ) - Chính quyền lâm thời Kyrgyzstan đã hai lần lên tiếng kêu gọi Nga gửi quân tới giúp ổn định tình hình song lần nào cũng nhận được câu trả lời “đó là cuộc xung đột nội bộ của Kyrgyzstan và Nga không có lý do gì để triển khai quân”.
Thảm cảnh người tị nạn Uzbekistan |
So với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev, chính quyền do Tổng thống lâm thời Roza Otunbayeva đứng đầu rõ ràng có mối quan hệ tốt hơn với Matxcơva. Nga là một trong những quốc gia đầu tiên có các động thái công nhận chính quyền của bà Otunbayeva ngay khi lên cầm quyền tháng 4 vừa qua.
Không tuyên bố công khai song ai cũng thấy rằng quan hệ Kyrgyzstan-Nga dưới thời Tổng thống Bakiyev đã chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi thái độ ngả về phía Mỹ của Biskek. Thể hiện rõ nhất là việc cho Mỹ thuê căn cứ quân sự Manas từ năm 2001.
Thế nên rất dễ hiểu vì sao lãnh đạo Nga là những người đầu tiên điện đàm với bà Otunbayeva sau khi lật đổ ông Bakiyev. Đó cũng là lý do khi tình hình xung đột sắc tộc ở miền Nam Kyrgyzstan tuột khỏi vòng kiểm soát của chính phủ lâm thời, Tổng thống chuyển tiếp Otunbayeva đã hai lần lên tiếng đề nghị Nga gửi quân tới giúp chấm dứt xung đột. Song câu trả lời của Nga lại không như mong đợi. Lời từ chối đưa ra công khai đó là Nga không có lý do để can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ của Kyrgyzstan.
Ai cũng biết rằng Nga vốn có ảnh hưởng truyền thống tới các nước thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á, trong đó có Kyrgyzstan. Sự ổn định tại khu vực này có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định dọc biên giới phía nam của nước Nga.
Ấy vậy mà khi mà cuộc xung đột tại Kyrgyzstan có nguy cơ vượt ngoài mọi vòng kiểm soát thì Nga vẫn từ chối gửi quân tới nhằm ổn định tình hình. Theo giới phân tích, Nga không phải không muốn can thiệp nhằm sớm chấm dứt xung đột tại Kyrgyzstan song đang e ngại bị cuốn vào vòng xoáy khó kiểm soát này.
Theo dõi sát sao tình hình Kyrgyzstan, Nga thừa hiểu sự phức tạp của cuộc xung đột hiện nay tại quốc gia này. Đó không chỉ là xung đột sắc tộc giữa cộng đồng Kyrgyzstan đa số với cộng đồng Uzbekistan thiểu số mà còn là cuộc xung đột quyền lực giữa người ủng hộ Tổng thống Bakiyev bị lật đổ với chính quyền hiện nay.
Do tính chất đầy phức tạp và nhạy cảm của cuộc xung đột “kép” này mà mọi nỗ lực kiểm soát tình hình của chính quyền lâm thời Kyrgyzstan vẫn chưa hiệu quả. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của quân đội nước ngoài như quân đội Nga rất có thể sẽ là “lợi bất cấp hại”, càng thổi bùng ngọn lửa xung đột.
Theo giới quan sát, việc Nga không gửi quân tới Kyrgyzstan theo đề nghị của chính phủ lâm thời là một quyết định khôn ngoan, giúp tránh đẩy tình trạng bất ổn ở nước này thêm trầm trọng. Tuy nhiên, Nga sẽ có hành động thích hợp nếu sự mất ổn định tại Kyrgyzstan ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược trong khu vực.
Hoàng Tuấn