Quy hoạch giao thông Hà Nội: Cần điều chỉnh tăng kết nối với 8 tỉnh, thành phố lân cận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo nhận định, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 hiện không còn phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Hà Nội và 8 tỉnh, thành lân cận, cần phải điều chỉnh cho kịp tốc độ phát triển "nóng" của đô thị.

Cần nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch

Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ - TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1259).

Đây là quy hoạch lớn nhất có tính chất chi phối đối với mọi quy hoạch khác của Hà Nội, trong đó có cả Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2016 (Quy hoạch 519).

Dù vậy, sau nhiều năm mở rộng địa giới hành chính, phát triển đô thị “nóng”, Quy hoạch 1259 đã bộc lộ nhiều bất cập cần được điều chỉnh. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Quy hoạch 1259 sẽ được điều chỉnh lớn, hướng tới Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

“Giao thông phải đi trước mở đường. Quy hoạch GTVT Thủ đô phải được rà soát, làm rõ các bất cập trong kết nối nội vùng cũng như liên vùng; hay những vấn đề chưa được làm rõ trong Quy hoạch số 1259, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, tạo tiền đề cho sự phát triển giao thông và đô thị bền vững, hiệu quả”- Giám đốc sở GTVT Hà Nội nhìn nhận.

Quy hoạch GTVT Hà Nội cần được điều chỉnh, bổ sung để tăng kết nối vùng

Quy hoạch GTVT Hà Nội cần được điều chỉnh, bổ sung để tăng kết nối vùng

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, khi cùng tư vấn rà soát Quy hoạch 519 đã nhận thấy hàng loạt vấn đề đặt ra.

Một số chỉ tiêu, hạng mục của Quy hoạch 519 cần nghiên cứu, xem xét lại về tính thực tiễn và sự phù hợp với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới.

Như việc TP đã được duyệt chủ trương nâng công suất sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm; cùng với đó là xây dựng sân bay thứ hai- Vùng Thủ đô với công suất 30 triệu hành khách/năm.

Sân bay không chỉ phục vụ cho đô thị tại chỗ mà còn phục vụ cho cả vùng, bởi vậy phải tính toán, đầu tư mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện nhất cho cả trong và ngoài Thủ đô.

Đại diện Sở GTVT Vĩnh Phúc cho hay, hiện nay, giao thông kết nối giữa Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội ngoài đường bộ, đường thủy thì còn đường sắt thông qua tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hiện hữu khổ 1.000mm đang khai thác và tuyến đường sắt quy hoạch Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dạng đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa.

Theo đánh giá, mạng lưới metro của Hà Nội còn nhiều khoảng trống

Theo đánh giá, mạng lưới metro của Hà Nội còn nhiều khoảng trống

Trong định hướng quy hoạch đường sắt đô thị nối với TP Hà Nội của tỉnh Vĩnh Phúc có tuyến số 1 chạy song song với đường sắt Hà Nội – Lào Cai, kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến ga Vĩnh Yên, TP Vĩnh Yên, kéo dài sang TX Sơn Tây.

Tuyến số 2 chạy dọc theo đường trục Bắc - Nam nhằm kết nối từ Tam Đảo – Vĩnh Yên đến huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Đường sắt đô thị còn nhiều khoảng trống

Còn mạng lưới giao thông kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Bắc Ninh, theo Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất, bổ sung quy hoạch đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị theo các trục liên kết khu vực Ngọc Hồi - Yên Viên - Từ Sơn - Bắc Ninh;

Bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bắc Ninh - Hồ - Hưng Yên – Hà Nội dọc trục QL38 để định hướng đầu tư trong tương lai.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch để kết nối tuyến đường sắt Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long với 2 tuyến đường sắt đô thị hiện hữu (tuyến số 06 Nội Bài- Ngọc Hồi và tuyến số 02 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo) để kết nối Bắc Ninh - Nội Bài với trung tâm TP Hà Nội;

Bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ nhằm kết nối Bắc Ninh với sân bay Gia Lâm...

Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cũng nêu một số vấn đề cần xem xét cho tương lai của mạng lưới GTVT Thủ đô.

“Trước đây Hà Nội chỉ quy hoạch đến Vành đai 5. Nhưng với nhu cầu kết nối cao, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, đặc biệt là khi hình thành các TP trực thuộc, đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cần phải nghiên cứu đến cả Vành đai 6” - ông Sơn nhận định.

Bên cạnh đó Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cũng còn nhiều khoảng trống. Nhiều trục đường trước đây không có quy hoạch đường sắt đô thị nhưng hiện đã trở thành trục chính, mật độ giao thông rất lớn. Ví dụ như đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có thể kết nối thẳng đến Hoà Bình...

Có thể nghiên cứu bổ sung cho trục này một tuyến đường sắt đô thị và phải điều chỉnh từ Quy hoạch 519.