Quy định mới nhất về xử lý đối tượng tăng ga bỏ chạy khi thấy CSGT

ANTD.VN -Từ 1/1/2020 khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành với mức phạt tiền tăng mạnh, nhiều đối tượng vi phạm quy định về ATGT đã có hành vi chống đối, cố tình bỏ chạy khi bị CSGT, lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Về hiện tượng lái xe cố tình bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, đó không chỉ là hành vi vi phạm, thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không lường trước được cho chính người đó và những người tham gia giao thông khác.

Bởi, các đối tượng bỏ chạy thường mất bình tĩnh, vội vàng, điều khiển xe không quan sát dẫn đến nguy cơ va chạm, gây tai nạn giao thông. Không ít trường hợp nạn nhân trong những vụ trốn chạy tự ngã do hoảng loạn, không làm chủ tốc độ hoặc gây ra tai nạn cho người khác khi bỏ chạy với tốc độ cao. Do vậy, hành vi này cần bị xử lý nghiêm.

Theo Điều 9, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quy tắc chung đối với người tham gia giao thông, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

 Điều 10 Luật này cũng nêu rõ, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị xử lý nghiêm (ảnh minh họa)

Đối chiếu các quy định trên, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Nếu người điều khiển xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị thổi phạt, nhưng không dừng xe theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông mà còn tăng ga bỏ chạy thì ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính đối với lỗi vi phạm giao thông, người này còn bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo Điều 5 Nghị định này về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ…

Còn theo Điều 6, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 600.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10-20 km/h; Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ; Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

Như vậy, so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi tăng ga bỏ chạy khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có mức phạt nặng hơn. Trong trường hợp hành vi bỏ chạy của người điều khiển phương tiện giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối CSGT, gây tai nạn cho người đi đường... thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ hoặc Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.