"Quy định chồng chéo dẫn đến thẩm quyền, thủ tục chồng chéo"

ANTD.VN - Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 26-12 cho thấy, quy định pháp luật kinh doanh còn nhiều chồng chéo, khiến doanh nghiệp “không biết đường nào mà lần”.

"Quy định chồng chéo dẫn đến thẩm quyền, thủ tục chồng chéo" ảnh 1

Khắc phục điểm chồng chép, xung đột trong pháp luật kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết: “Vẫn còn tới 25 điểm xung đột, chồng chéo trong pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh…”. Đây là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư (ở cả khu vực công và tư) vào phát triển kinh tế, xã hội.

Theo VCCI, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11-2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 - 800 thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018 và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn đang đối mặt với vấn đề bất cập lớn đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư tập trung tại các Luật: Đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; chưa thống nhất về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thời hạn thự hiện thủ tục; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính…

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban pháp chế VCCI đánh giá: “Sau năm 2018 với những chuyển động tích cực có tính cải cách, đột phá (thì dường như năm nay, sự nhiệt tình của một số Bộ đã giảm đi đáng kể, hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa”.

Dẫn chứng cụ thể điều này, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, mặc dù Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh song một số quy định sửa đổi điều kiện kinh doanh trong dự thảo vẫn còn hình thức. Cụ thể là dự thảo nghị định có sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh khí tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP, nhưng chưa thực sự triệt để, vì một số điều kiện kinh doanh chưa hợp lý vẫn được giữ lại.

Đó là: điều kiện yêu cầu thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng; thương nhân sản xuất chế biến khí có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn quốc gia;

Thương nhân kinh doanh pha chế khi có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm với tổ chức đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; cửa hàng bán lẻ LPG chai có hợp đồng tối thiểu 01 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, những điều kiện này là không hợp lý.

Thành lập "tổ đặc biệt" loại bỏ pháp luật kinh doanh chồng chéo

Theo TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự chồng chéo trong văn bản pháp luật ngày càng tăng lên mà không giảm đi. Tinh thần cải cách, sáng tạo để thực hiện cải cách ở địa phương ít đi.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung nói: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, để từng bộ giảm điều kiện kinh doanh không giải quyết được vấn đề, vì họ chỉ nhìn theo cách nhìn quản lý Nhà nước của họ; nhiều lĩnh vực phức tạp nên cải cách cực kỳ khó.

Tôi đã kiến nghị việc này phải lập “tổ đặc biệt”, chỉ gồm chuyên gia và doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ít nhất Phó Thủ tướng; nếu được Thủ tướng chỉ đạo càng tốt. Nhiều nội dung trong luật cần bãi bỏ vì thừa và chồng chéo, chứ không chỉ dừng lại ở bãi bỏ từng điều để tạo thống nhất. Nếu còn nội dung chồng chéo thì vẫn sẽ có thẩm quyền chồng chéo, thủ tục chồng chéo”.

TS Vũ Tiến Lộc cho biết: “Năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018”.