Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng mạnh, đạt hơn 7.424 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2023.

Số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn dư 7.424,7 tỷ đồng.

Trước đó, số dư Quỹ tính đến hết tháng 3/2023 là 5.640,34 tỷ đồng. Số trích quỹ trong quý II là 1.779,2 tỷ đồng và sử dụng Quỹ chỉ chưa đầy 6 tỷ đồng.

Lãi phát sinh trên số dư Quỹ trong quý là khoảng 3,23 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ âm là 2,09 tỷ đồng.

Trong 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm hơn 43%.

Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đạt hơn 7.400 tỷ đồng

Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đạt hơn 7.400 tỷ đồng

Một số thương nhân đầu mối khác có số dư Quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 612 tỷ đồng); Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức (gần 468 tỷ đồng); Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (hơn 454 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (333,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (307 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, cũng có 4 đơn vị ghi nhận đang âm Quỹ Bình ổn, gồm: Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 32 tỷ đồng); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm 22,42 tỷ đồng (cuối tháng 3, doanh nghiệp này âm hơn 346 tỷ đồng). Ngoài ra là thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Trường An.

Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương) quyết định.

Theo liên Bộ Công Thương – Tài chính, công cụ quỹ bình ổn giá được sử dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế biến động của giá trong nước so với thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thời gian qua, việc liên tục trích lập vào quỹ bình ổn trong bối cảnh giá xăng dầu giảm đã khiến cho số dư tăng, do đó, mới đây nhà điều hành quyết định dừng trích lập vào quỹ này theo quy định của Thông tư 103.

Mặc dù vậy, đây chưa phải là mức kỷ lục của quỹ bình ổn khi có thời điểm quỹ này có số dư lên tới trên 10.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2020.